img
img
Thứ 7, 02/12/2023 12:50:48
| | Liên kết
  Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết, gương mẫu, xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc! Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế! Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết - gương mẫu - xung kích - sáng tạo - khởi nghiệp Tuổi trẻ Cà Mau phát huy truyền thống cách mạng, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp!
Chương V: Tuổi trẻ Cà Mau hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Thứ 6, 25/06/2010 03:55:15

CHƯƠNG V

TUỔI TRẺ CÀ MAU HĂNG HÁI THAM GIA

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

I. ANH DŨNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG

Đầu năm 1946, có thêm viện binh từ Pháp sang, quân Pháp ồ ạt tiến công đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Bộ. sau khi chiếm được thị xã Sóc Trăng, ngày 29-1-1946, quân Pháp tiến theo quốc lộ 4 ( nay là quốc lộ 1A) đánh chiếm thị xã Bạc Liêu. Dân quân ta chặn đánh quyết liệt, cầu Nhu Gia khiến chúng không thể tiến quân bằng đường bộ. Pháp đổi hướng, dùng tàu chiến chở quân theo sông Mỹ Thanh và sông Cổ Cò tiến đánh thị xã bằng đường thủy.

Chiều ngày 31-1-1946, địch chiếm được thị trấn Cà Mau, kiểm soát được quốc lộ 4. Dù đang ở thế mạnh, chiếm được nhiều vị trí quan trọng, nhưng mỗi bước tiến của quân Pháp đều không dễ dàng. Trên tuyến kinh xáng Phụng Hiệp, quân dân ta tổ chức mặt trận ngăn địch ở Phước Long do Bộ tư lệnh quân khu 9 trực tiếp chỉ huy. Quân dân Phước Long làm cản ngăn sông ở ngã tư Vĩnh Phú, phối hợp với bộ đội của quân khu chặn địch ở đây hàng tháng, tạo điều kiện cho các cơ quan của tỉnh và quân khu xây dựng hậu cứ tăng cường lực lượng kháng chiến. Đến cuối tháng 3- 1946, địch mới chiếm được Phước Long, Ngang Dừa và Thới Bình. Trên đà đó chúng đánh lấn ra các thôn xã xung quanh, tung quân đi càn quét, cướp bóc, đốt phá. Chúng lập đồn đót, dựng lại bộ máy tề ngụy để kềm kẹp nhân dân.

Sau khi mặt trận Phước Long vỡ, Bộ tư lệnh quân khu 9, rút về Tân Hưng. Tỉnh ủy chủ trương tăng cường giữ Mặt trận Tân Hưng càng lâu càng tốt để ta có thêm thời gian để củng cố, xây dựng căn cứ vững chắc về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, Thanh niên là lực lượng xung kích của Mặt trận, bám các mũi đánh địch. Ở Tân Hưng có hai trung đội Cộng hòa vệ binh của Cà Mau, cùng các lực lượng Cộng hòa vệ binh của Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, du kích của các xã Tân Hưng Thạnh Phú, Phong Lạc, Tân Hưng Tây. Ở mặt trận Tân Hưng bộ đội và du kích đã có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu với kẻ địch mạnh hơn ta về nhiều mặt. Tinh thần chiến đấu của bộ đội, du kích rất cao. Các đồng chí nữ cùng với các mẹ, các chị tích cực làm công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến đấu. Ngay trong những ngày đầu với quân xâm lược, tuổi trẻ Cà Mau đã thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu kiên cường bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quê hương làng xóm.

Tuổi trẻ và nhân dân Cà Mau đã cùng quân dân Nam Bộ giam chân thực dân Pháp, tạo điều kiện để chính quyền cách mạng được củng cố, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Tháng 2- 1946, quân dân Cà Mau vô cùng cảm động đón nhận danh hiệu “ Thành Đồng Tổ Quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho quân dân Nam Bộ.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào kháng chiến ở tỉnh nhà, ngày 15-3-1946, Tỉnh ủy đã họp hội nghị mở rộng tại ấp Bà Bèo.

Hội nghị biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân dân trong tỉnh đã ngăn chặn được bước tiến ồ ạt của địch trong những ngày đầu kháng chiến và bảo toàn được lực lượng để chiến đấu lâu dài, mở rộng được vùng căn cứ.

Hội nghị quyết định củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở vùng căn cứ cho thật vững mạnh, làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài; đồng thời cử các cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên Cứu quốc trở về địa phương bám sát cơ sở quần chúng để khôi phục phong trào trong vùng địch tạm chiếm, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống càn quét, khủng bố, bắt lính, v.v…1

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Đoàn thanh niên Cứu quốc đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển tổ chức xuống cơ sở để đoàn kết tập hợp thanh niên tham gia kháng chiến.

Ở huyện Giá Rai và Cà Mau, Ban chấp hành đoàn thanh niên Cứu quốc đã được thành lập, và tổ chức được 100 tổ thanh niên, mỗi tổ có 9-12 người. Ở các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Phước Long, tổ chức đoàn đã hình thành hệ thống xuống cơ sở.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào thanh niên trong tỉnh và các hoạt động của tổ chức Đoàn được thống nhất trong tình hình rất khẩn trương, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị bầu ban chấp hành lâm thời Quận đoàn Cà Mau vào cuối năm 1946. Qua ba ngày làm việc, Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Quận đoàn lâm thời Cà Mau do đồng chí Trần Quang Vân làm bí thư, đồng chí Lê Văn Đặng làm Phó bí thư, đồng chí Trần Đắc Lực làm ủy viên thường vụ. Hội nghị đã kiện toàn một bước tổ chức Đoàn và kịp thời chỉ đạo phong trào đấu tranh của đoàn viên, thanh niên tham gia kháng chiến, chống lại các âm mưu của địch mê hoặc, đầu độc thanh niên, bắt thanh niên đi lính trong vùng tạm chiếm.

Tại các thị trấn, thị xã, Đoàn thanh niên Cứu quốc vận động thanh niên, quần chúng đấu tranh chính trị, biểu tình chống Pháp. Lực lượng thanh niên học sinh xuống đường, giương băng cờ, khẩu hiệu đấu tranh đòi thực hiện Tạm ước 14-9, thanh niên còn cắt dây điện thoại, phá hoại thông tin của địch. Thanh niên nô nức tham gia các đội Vệ quốc đoàn tỉnh, các tổ vệ chiến đấu và các đội vũ trang tại các địa phương cùng lực lượng dân quân du kích phát triển ở hầu khắp làng xã để đánh giặc giải phóng quê hương.

Cuối năm 1946, hầu hết bọn tề ngụy mới lập lại ở những vùng chúng vừa chiếm được gần như mất tác dụng. Các đồn bót nằm trong vùng sâu ở thế phòng thủ, bị bao vây. Chiến tranh du kích càng mở rộng, đã đánh những trận phục kích giao thông và cả những trận tập kích tiêu diệt các đồn bót nhỏ lẻ. Nhân kỷ niệm một năm ngày độc lập, ngày 2-9-1946, phân đội Vệ quốc đoàn do đồng chí Phạm Hồng Thám chỉ huy được sự phối hợp của cơ sở nội tuyến đã diệt gọn đồn Tân Bằng, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng toàn tiến sông Trẹm, nối liền hai vùng căn cứ U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Ngày 7-11-1946 ta dùng thủy lôi do công binh xưởng chế tạo đánh chìm chiếc tàu Hăngri Mariet ( Henri Mariette) ở Mây Dốc, diệt toàn bộ địch trên tàu, thu hơn 100 súng và nhiều đạn dược, quân trang. Chiến thắng này làm nức lòng quân dân trong vùng.

Sau hơn mười tháng kháng chiến, vượt qua nhiều khó khăn lúng túng ban đầu, dưới sự lãnh đạo của trực tiếp Tỉnh Đảng bộ, tuổi trẻ Cà Mau đã nhanh chóng củng cố tổ chức Đoàn TNCQ để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên trong tỉnh tham gia hăng hái và đắc lực vào công cuộc kháng chiến.

Quân và dân Cà Mau đã từng bước ngăn chặn và phá được âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, xây dựng và giữ vững được vùng căn cứ khá rộng, bảo toàn được lực lượng, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, đẩy lùi được âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng của Pháp.

II. RA SỨC THAM GIA CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC. TỔ CHỨC ĐOÀN TNCQ TỈNH ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN.

Tháng 12-1946, tình hình ngày càng phức tạp, Đảng triệu tập khẩn cấp Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng họp trong 2 ngày 18 và 19-12-1946 tại làng Vạn Phúc ( Hà Đông), quyết định phát động toàn dân cầm vũ khí đứng lên chống lại thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được.

Đêm 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“ Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ….

Hỡi đồng bào!... Là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc….” 1

Đáp lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ Tịch, cuộc chiến đấu của thanh niên và của nhân dân ta đã nổ ra ở Thủ đô Hà Nội, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng… ngay trong đêm 19-12-1946, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc.

Phối hợp với các chiến trường chính, quân dân Cà Mau đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá hoại tiêu hao địch trên các tuyến giao thông thủy bộ, bao vây uy hiếp các đồn bót, đột nhập tập kích ở các thị xã, thị trấn… ta vừa đẩy mạnh các hoạt động, vừa tích cực phát triển lực lượng. Bộ đội chủ lực tỉnh được tổ chức thành hai chi đội 24 và 26, lực lượng Vệ quốc đoàn, các cơ quan chỉ huy quân sự từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập và bổ sung nhiều cán bộ, đảng viên và đoàn viên ưu tú. Các công binh xưởng được mở rộng và trang bị thêm nhiều công cụ phục vụ cho nhu cầu sản xuất vũ khí ngày càng lớn của cuộc chiến đấu.

Quân và Dân Cà Mau cùng với quân và dân Nam Bộ đã thực hiện đúng yêu cầu của Trung ương Đảng, không cho Pháp vơ vét sức người sức của ở Miền Nam ra phục vụ âm mưu tấn công Việt Bắc.

Tháng 4- 1947 Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương bàn về công tác thanh vận nhằm tổ chức động viên thanh niên thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng, Hội nghị đã chỉ rõ: “… Nhiệm vụ thiết thực của thanh niên trong thời kỳ này là tham gia bộ đội, dân quân để tác chiến, giúp đỡ việc tân cử, bình dân học vụ và tiểu học, đoàn kết các tầng lớp thanh niên, động viên thanh niên ra cứu nước…” 1

Tháng 9- 1947 Trung ương Đảng lại ra chỉ thị về công tác vận động thanh niên, trong đó nhấn mạnh: “ Công tác vận động thanh niên đều hướng theo mục đích “ Kháng chiến – Kiến quốc” 2.

Tuân theo phương hướng chỉ đạo trong chỉ thị của Trung ương Đảng, tuổi trẻ Cà Mau đã hăng hái đi đầu tham gia kháng chiến. Thanh niên xung phong tòng quân, gia nhập dân quân du kích… Đặc biệt, thanh niên cùng với dân quân tỉnh nhà đưa dân ta khỏi vùng bị địch chiếm, thực hiện “ Vườn không nhà trống”. Tiêu biểu nhất ở các xã Tân Hưng ( Cái Nước), Tân Thành ( Cà Mau), Tân Lộc ( Thới Bình)… Phong trào thanh niên phát triển mạnh nhờ tổ chức thanh niên Cứu quốc ở các cơ sở đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc vận động và tổ chức thanh niên. Ở Cà Mau, ở Phước Long đã thành lập được Ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc làm cơ sở để tiến hành thành lập Ban chấp hành thanh niên Cứu quốc tỉnh.

Để đáp ứng sự phát triển của tổ chức Đoàn TNCQ và thống nhất sự chỉ đạo trong tỉnh, đầu năm 1947 Ban chấp hành lâm thời Tỉnh đoàn thanh niên Cứu quốc được thành lập do đồng chí Hàm Ngọc Bích làm Bí thư ( một thời gian sau đồng chí Trần Phi Hùng thay). Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh Đoàn thanh niên Cứu quốc đã đề ra phương hướng hoạt động gồm 4 nội dung:

- Xây dựng cơ sở, củng cố phát triển tổ chức Đoàn

- Tham gia chiến đấu, vận động thanh niên vào lực lượng du kích

- Vận động quần chúng tham gia kháng chiến nhất là lứa tuổi thanh niên

- Vận động tòng quân

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu đội ngũ cán bộ Đoàn và phong trào thanh niên của cuộc kháng chiến, ngay sau khi được thành lập, Ban chấp hành Tỉnh Đoàn đã mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho 140 học viên tại Tân Hưng Tây ( Cái Nước). Các học viên được học trong một tháng với nội dung trọng tâm về công tác tổ chức, tuyên truyền và về tư tưởng, đạo đức của thanh niên.

Cũng trong thời gian này, Liên đoàn thanh niên cứu quốc miền Tây Nam Bộ kết hợp với Tỉnh Đoàn mở lớp huấn luyện cán bộ thanh niên toàn miền, bồi dưỡng cho cán bộ Tỉnh Đoàn. Lớp học có tới 200 học viên. Tỉnh Đoàn đã cử nhiều cán bộ tham gia lớp học.

Để tăng cường củng cố đoàn thanh niên Cứu quốc toàn miền và thống nhất một bước hệ thống tổ chức của Đoàn trong toàn xứ, ngày 4-7-1947, Hội nghị thành lập Ban chấp hành Đoàn TNCQ Nam Bộ được triệu tập. Các đại biểu tập trung thảo luận về công tác xây dựng phát triển tổ chức Đoàn khắp các vùng.

Xây dựng hệ thống tổ chức Đoàn từ trên xuống dưới cơ sở. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành lâm thời Đoàn TNCQ Nam Bộ đầu tiên do đồng chí Phạm Văn Bính làm Bí thư.

Các cán bộ Đoàn Cà Mau về dự hội nghị đã đóng góp và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm để về tiến hành công tác xây dựng tổ chức Đoàn tại tỉnh nhà.

Nhằm đáng ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến và phong trào Đoàn trong gia đoạn mới, Đoàn TNCQ Nam Bộ tiến hành Đại hội lần thứ nhất từ ngày 5 đến ngày 8-12-1947, tại xã Đốc Binh Kiều ( Cái Bè, Mỹ Tho) trên vùng Đồng Tháp Mười.

Tham dự Đại hội có 42 đại biểu chính thức đại diện cho 237.789 đoàn viên các tỉnh, thành ở Nam Bộ. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá sự phát triển của phong trào thanh niên Nam Bộ từ lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, nêu những ưu, khuyết điểm của phong trào và những bài học kinh nghiệm “ Căn cứ vào nhiện vụ của Đoàn trong thời gian tới, Đại hội chủ trương phát động các phong trào:

- Phong trào quân sự hóa thanh niên ( tòng quân, luyện tập quân sự, công tác dân quân).

- Phong trào xây dựng đời sống mới, xây dựng hương thôn mới.

- Phong trào xây dựng, sản xuất tự túc.

- Phong trào bình dân học vụ.

- Công tác thiếu nhi.

Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã tham dự suốt Đại hội, đồng chí đã nêu những ý kiến chỉ đạo phong trào thanh niên, thực hiện khẩu hiệu “ Mỗi đoàn viên là một dân quân”.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Xứ đoàn mới gồm 27 đồng chí. Đồng chí Châu Quốc Tuấn được bầu làm Bí thư, đồng chí Trần Bạch Đằng làm phó Bí thư. Trong Ban chấp hành mới có đại diện của hầu hết các Tỉnh Đoàn ở Nam Bộ và Thành đoàn Sài Gòn- Chợ Lớn.

Đoàn đại biểu của Bạc Liêu có các đồng chí Lê Văn Đặng, đồng chí Lý Hồng Hải, đồng chí Trần Hùng, đồng chí Bạch Liên đã nhận phương hướng chỉ đạo của Đại hội về chỉ đạo phong trào thanh niên tỉnh nhà. Phong trào thanh niên toàn tỉnh sôi nổi phát triển lên một bước mới, nhiều hoạt động tích cực tham gia các mặt công tác kháng chiến. Tỉnh Đoàn làm tốt công tác chính trị tư tưởng như vận động thanh niên tòng quân.

Trong sự phát triển của phong trào chiến tranh nhân dân ở Tỉnh nhà, Đoàn TNCQ và phong trào thanh niên đã góp phần to lớn. Thanh niên là lực lượng chủ lực trong lực lượng vũ trang. Đầu năm 1947, trong tỉnh có hơn 1.000 thanh niên du kích xã ấp và hàng trăm du kích tập trung của huyện dũng cảm trong chiến đấu, bao vây đồn bót, đột nhập vào thị trấn, thị xã gây gối kẻ địch, mưu trí, gan dạ trong nhiệm vụ phá đường giao thông, chặn đánh tàu vận chuyển tiếp tế của địch; tích cực trong sản xuất và giữ gìn trong trật tự, an ninh ở xóm ấp.

Phong trào cách mạng trong tỉnh lên khá mạnh. Tỉnh ủy chủ trương tăng cường đánh địch để mở rộng vùng giải phóng. Thanh niên, đoàn viên là những chiến sĩ lập công đầu. Ngày 18-5-1947, Đội săn tàu của tuổi trẻ đã đánh chìm chiếc tàu “ Lơ-toa-năng” trên kênh xáng Mương Điều ( Đầm Dơi ngày nay), hơn một đại đội lính Pháp bị tiêu diệt. Ta huy động nhân dân địa phương và dân quân đắp đập tát sông thu chiến lợi phẩm hơn 100 súng các loại, có ba khẩu 13 ly 2, hai khẩu 12 ly 7, sáu trung liên và nhiều đạn dược. Ta còn nhấn chìm tàu địch ở sông Vàm Đình, đánh chiếm tàu “ La Terơ“ trên sông Gành Hào, diệt hàng trăm lính Pháp, thu nhiều vũ khí các loại.

Những trận đánh tàu vang dội, những trận đánh đồn, bao vây quấy rối, uy hiếp đồn bót địch của quân dân và tuổi trẻ đã làm thất bại thảm hại âm mưu “ Trung lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác tiềm lực kháng chiến của họ” 1 của Pháp. Địch buộc phải co về giữ thị xã, thị trấn và các tuyến giao thông quan trọng. Vùng tự do được mở rộng và nối liền với vùng tự do của các tỉnh Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ tạo thành khu giải phóng liên hoàn.

Để tăng cường sự lãnh đạo phong trào thanh niên nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc kháng chiến và chấp hành quyết định của Xứ đoàn, Ban chấp hành lâm thời Tỉnh Đoàn đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại ấp Tân Đức xã Tân Thuận ( nay thuộc huyện Đầm Dơi) . Về dự Đại hội có hơn 100 đại biểu là những đoàn viên ưu tú, tiêu biểu cho tuổi trẻ toàn tỉnh. Thay mặt Ban chấp hành Tỉnh ủy, đồng chí Dương Thuần Chương Phó Bí thư Tỉnh ủy đến dự Đại hội. Tham dự đại hội còn có đại biểu của Tỉnh Đoàn Sóc Trăng và Kiên Giang.

Đại hội tập trung đánh giá tình hình phong trào thanh niên tham gia công cuộc kháng chiến- kiến quốc trong tỉnh và đã đề ra phương hướng nhiệm vụ của phong trào thanh niên trong thời gian tới.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cứu quốc tỉnh gồm 12 đồng chí do đồng chí Ngô Khắc Dũng làm Bí thư, đồng chí Lê Văn Đặng làm Phó Bí thư, các đồng chí Lý Hồng Hải, Lê Hồng Điệp là ủy viên thường vụ phụ trách công tác kiểm tra, đồng chí Lâm Ngọc Sơn phụ trách công tác thiếu nhi. Các ủy viên Ban chấp hành xuống trực tiếp làm bí thư các Huyện Đoàn. Trụ sở Tỉnh Đoàn lúc đó đóng ở Giáp Nước xã Phú mỹ, huyện Cái Nước.

Sau đại hội, các tổ chức cơ sở Đoàn phát triển khá mạnh trong toàn tỉnh. Nhiều xã Đoàn từ 15 đoàn viên đã phát triển tới 100 đoàn viên. Các xã phong trào Đoàn còn yếu cũng được củng cố. Năm 1948, toàn tỉnh đã có khoảng 15.000 đoàn viên thanh niên Cứu quốc. Để nâng cao trình độ cho cán bộ Đoàn và đoàn viên. Tỉnh Đoàn đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo được gần 400 cán bộ đoàn, in nhiều cuốn sách mỏng phục vụ cho công tác tuyên truyền, mở được 28 lớp huấn luyện cho hơn 300 học sinh làm công tác cứu tế xã hội. Ở các xã, Ban chấp hành Xã Đoàn phối hợp cùng với xã đội mở những lớp huấn luyện ngắn ngày cho các đồng chí phụ trách Chi đội du kích, dân quân tự vệ.

Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh đã thất bại thảm hại. Pháp buộc phải quay về càn quét, bình định vùng tạm chiếm, áp dụng chính sách “ Dùng người Việt đánh người Việt – Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Ta nhận rõ âm mưu của địch và kiên quyết phá tan những thủ đoạn tàn bạo và nham hiểm của chúng. Xứ ủy Nam Bộ và đồng chí Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ “ Khác với Bắc Bộ là nơi có vùng căn cứ giải phóng rộng lớn, có quân chủ lực lớn hoạt động, đặc điểm Nam Bộ là vùng tạm bị chiếm, vùng du kích chiến tranh, phải phát triển du kích chiến tranh” 1. Xứ ủy luôn nhắc nhở vai trò của Đoàn thanh niên cứu quốc trong chiến tranh du kích, Đoàn phải coi trọng phong trào quân sự hóa thanh niên, phong trào thanh niên dân quân đã là phong trào chủ yếu của thanh niên Nam Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Với khẩu hiệu “ Mỗi đoàn viên là một dân quân”, nội dung cụ thể của phong trào này là: Thanh niên tham gia dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu, lập chướng ngại vật chống giặc, tòng quân, luyện tập quân sự, làm công tác dân công phục vụ chiến đấu.

Đoàn viên thanh niên ở các huyện, các xã là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng ở cơ sở. Thanh niên tham gia hàng trăm tiểu đội dân quân du kích, có cả các tiểu đội nữ du kích, làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn an ninh cho xóm ấp, và tham gia nhiều công tác khác như chế tạo vũ khí, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, hăng hái tham gia xây phong trào xây dựng nông thôn mới. Thanh niên là lực lượng trẻ khỏe, tích cực giữ vai trò chủ lực trong công tác phá lộ, vót chông và hàng cảng để ngăn tàu giặc, không quản đêm hôm, khó khăn, họ lặng ngụp giữa dòng sông với huyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất. Tiêu biểu là hai cảng lớn Tắc Thủ và Mương Điều.

Phong trào thiếu nhi trong tỉnh khá sôi nổi. Năm 1948, toàn tỉnh có 15.000 đội viên “Thiếu nhi cứu quốc”. Đoàn đã mở nhiều lớp huấn luyện công tác Đội, tổ chức được các đội thiếu nhi truyền tin, các đội liên lạc,…

Tỉnh Đoàn đã lựa chọn được một số em có năng khiếu văn nghệ thành lập Đội ca múa nhạc lấy tên là “Đội mầm sống mới”. Đây là Đội ca múa thiếu nhi đầu tiên làm nồng cốt cho phong trào văn nghệ. “Đội thiếu niên tuyên truyền xung kích Lý Tự Trọng được thành lập, có nhiệm vụ tuyên truyền cho phong trào thiếu niên nhi đồng xuống các cơ sở, hàng tháng dạy múa hát, tập đánh trận giả, cắm trại ngoài trời v.v…

Năm 1949, tổ chức Thiếu nhi Cứu quốc được phát triển trong các trường học. Hầu hết các trường đều tổ chức được Đội thiếu nhi cứu quốc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho các em, giáo dục cho các em thực hiện khẩu hiệu “ Ba không”: “ Không nghe- không biết- không thấy”, để bảo vệ bí mật của cách mạng, che tai bịt mắt giặc. “ Đội Mầm sống mới” đã phát triển được gần 30 đội viên.

Toàn tỉnh có hàng trăm lớp học bình dân thường xuyên học tập dạy cho hơn 16.000 người cả các cụ già cũng tích cực cùng con cháu đi học. Các sinh hoạt xã hội khác trong phong trào “Vui khỏe do thanh niên khởi xướng và làm nòng cốt như bóng đá, bơi lội… đã lôi cuốn đông đảo thanh niên và quần chúng tham gia trở thành một phong trào hấp dẫn với ý nghĩa “Vui khỏe vì nước”. Đời sống văn hóa xã hội, của tuổi trẻ và nhân dân ở vùng nông thôn giải phóng đã có nhiều khởi sắc. Nhân dân càng phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc khánh chiến.

Ngày 02-9-1969, Tỉnh Đoàn tổ chức lễ kỹ niệm ngày quốc khánh tại Điền Quốc gia, xã Tân Hưng Đông, trong vùng giải phóng với chương trình phong phú: Văn nghệ của thanh niên, triển lãm những thành tích, chiến công trong chiến đấu, sản xuất. Tại buổi lễ, Đoàn đã động viên, cổ vũ đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, hăng hái tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương.

Song song với phong trào quân sự hóa thanh niên là lực lượng nồng cốt trong phong trào tăng gia sản xuất, coi tăng gia sản xuất là “thi đua ái quốc”. Cùng nông dân trong tỉnh, thanh niên đã hăng hái vào các tổ chức đổi công, dần công ra sức đắp đê ngăn mặn để gieo trồng. Nhiều tấm gương thanh niên đạt thành tích cao trong sản xuất như các đồng chí: Dương Ngọc Hiệp, Lê Hồng Hải, Nguyễn Hưng Quân v.v.. Vụ mùa năm 1949, toàn tỉnh đạt được gần bảy triệu giạ lúa, chẳng những thõa mãn nhu cầu lương thực, trong tỉnh mà còn cung cấp cho lực lượng quân khu và các tỉnh bạn. Tuổi trẻ Cà Mau còn đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống mới ở nông thôn, bài trừ các thủ tục, tệ nạn… Trong xóm ấp có tổ chức thanh niên “Đời sống mới”. Ban đời sống mới đã tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, xóm ấp đã được thổi một luồng không khí mới trong đời sống tinh thần.

Ngày 7-02-1950 tại Đại Từ (Bắc Thái), Đại Hội đại biểu thanh niên cứu quốc toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc.

Từ Đất Mũi xa xôi, mãnh đất cực Nam của Tổ quốc, đoàn viên, thanh niên Bạc Liêu, Cà Mau đã tích cực thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đoàn toàn quốc trong cuộc đấu tranh cách mạng tại địa phương.

Tháng 07-1950 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III 1 đã đánh giá tình hình chung và nêu lên nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của tỉnh trong giai đoạn mới là xây dựng căn cứ cách mạng. Tổ chức lưu thông kinh tế hai vùng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, đoàn viên và các tổ chức của Đảng.

Để quán triệt nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I, nhằm động viên tuổi trẻ tỉnh nhà ra sức đóng góp vào công cuộc kháng chiến – kiến quốc của dân tộc, cuối 1950, Đại hội Đoàn TNCQ lần thứ II của tỉnh được triệu tập.

Đại hội được họp tại Gò Cát, xã Long Điền Tây, huyện Giá Rai. Trên 200 đại biểu của các tổ chức Đoàn cơ sở, huyện, thị và các ban, ngành cấp tỉnh đã về dự Đại hội. Đây là Đại hội đầu tiên có đông đủ đại biểu của các cơ sở Đoàn trong cả tỉnh. Đại hội đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của công tác Đoàn và phong trào thanh niên tỉnh nhà.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn gồm 15 đồng chí do đồng chí Lê Văn Đặng làm Bí thư, đồng chí Lý Hồng Hải làm Phó Bí thư. Đại hội đã quyết định những nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong thời gian tới là:

- Tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế:

- Xây dựng làng chiến đấu, bảo vệ quê hương.

- Vận động đoàn viên, thanh niên tham gia lực lượng vũ trang.

- Phát triển đoàn cơ sở và tăng cường công tác thiếu nhi.

Sau Đại hội, các huyện Đoàn, các chi đoàn của các ban, ngành tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Các xã, các cấp tổ chức của đoàn viên, thanh niên học tập về nhiệm vụ của tuổi trẻ trong tình hình mới, nhất là tăng cường củng cố các chi đoàn cơ sở để đảm bảo hoạt động của Đoàn có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mọi yêu cầu của cuộc kháng chiến.

*

* *

Địch càng thất bại nặng nề trên chiến trường chính Bắc bộ càng phải lui dần về củng cố chiến trường miền Nam. Từ mở rộng phạm vi chiếm đóng, Pháp quay sang củng cố vùng chiếm đóng tăng cường bình định vùng đông dân nhiều của ở nam Bộ để vơ vét thêm sức người sức của phục vụ cho cuộc chiến tranh đang xa lầy và thất bại. Pháp tăng cường hệ thống đồn bót, tháp canh dọc tuyến lộ từ Bạc Liêu đi Cà Mau. Tăng cường khủng bố, bắt lính, vơ vét của cải, lúa gạo ở những nơi chúng kiểm soát. Về mặt chính trị, chúng cố nắm các tôn giáo và một số địa chủ tiểu tư sản làm tay sai cho chúng.

Đối với vùng giải phóng của ta, Pháp tăng cường đánh phá bằng máy bay, nhất là từ khi biết có cơ quan đầu nảo kháng chiến Nam Bộ đã chuyển từ vùng đồng Tháp Mười về căn cứ U Minh cuối năm 1949. Chúng thường xuyên tung các toán biệt kích, thám báo, gián điệp vào vùng tự do, hoặc kết hợp với hành quân càng quét, đánh phá các nơi đóng cơ quan của ta. Mặt khác chúng ra sức phá hoại kinh tế của ta hồng làm ta kiệt huệ về mặt vật chất: bắn giết trâu bò, tung bạc giả vào vùng tự do phong tỏa, phá kế hoạch sản xuất và kế hoạch nhập những mặt hàng thiết yếu của ta. Cuộc giành giật nông thôn giữa ta và đich diễn ra rất gay go quyết liệt.

Tuy nhiên, đây chỉ là những cố gắng vô vọng trong thế bị động chiến lược của địch.

Qua hơn 4 năm kháng chiến, lực lượng của ta trên tất cả các mặt đã từng bước lớn mạnh. Vùng giải phóng đã chiếm hơn 2/3 đất đai, chiếm hơn 31 vạn trong số hơn 36 vạn dân. Các quận Ngọc Hiển, Trần Văn Thời đã hoàn toàn được giải phóng.

Công tác Đoàn và phong trào thanh niên toàn tỉnh có một bước phát triển mới. Trong những năm 1950, toàn tỉnh đã có 34 Xã đoàn, 04 Ban Chấp hành Huyện đoàn, 01 Ban Chấp hành thị Đoàn và 5 Chi đoàn cơ quan. Đoàn đã phát triển được 6.070 đoàn viên mới và 500 tổ Đoàn thanh niên, 2134 thanh niên tham gia đội dân quân.

Để bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Tỉnh đoàn đã mở 51 lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho 630 cán bộ, đoàn viên với những nội dung chủ yếu về:

- Công tác xây dựng Đoàn.

- Bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin

- Một số chuyên đề về công tác thi đua, vận động nữ thanh niên, tổ chức thiếu nhi…

Các Huyện Đoàn còn tự mở được một số lớp huấn luyện cho các cán bộ Đoàn cơ sở, được 166 người.

Đoàn còn kết hợp với Tỉnh đội mở các lớp bồi dưỡng cán bộ Xã đoàn về tổ chức quản lý dân quân ở cơ sở. Phong trào thi đua xây dựng sản xuất và chiến đấu được đẩy mạnh ở khắp các địa phương.

Thanh niên là lực lượng chủ lực tham gia lực lượng vũ trang ba thứ quân trong tỉnh ( bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích). Các đơn vị vũ trang trong tỉnh đều đã xây dựng được tổ chức Đoàn. Các chi đoàn ở các đơn vị tổ chức sinh hoạt đều, làm tốt công tác giáo dục, động viên đoàn viên thanh niên nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm giải phóng quê hương.

Cuộc vận động thanh niên tòng quân năm 1950 đã đạt kết quả vượt mức, 2790 thanh niên đã lên đường tòng quân, gấp 3 lần năm trước.

Trong điều kiện kháng chiến gian khổ, trường kỳ, Đảng chủ trương phát động phong trào tăng gia sản xuất, tự túc lương thực, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tích cực đi đầu thực hiện chủ trương này. Cà Mau đã thực hiện tự túc được 100% lương thực, ngoài ra còn chi viện thêm cho chiến trường miền Đông. Trong năm 1950, Xứ Đoàn ủy Nam Bộ đã ra chỉ thị về vấn đề vận động thanh niên tham gia công tác ruộng đất, thực hiện chính sách ruộng đất. Đoàn thanh niên đã tham gia đắc lực chủ trương trên và giúp chính quyền trong các công tác:

- Điều tra nông thôn.

- Đưa cán bộ Đoàn sang giúp Hội đồng tạm cấp ruộng đất.

- Đưa đoàn viên bần nông tham dự Hội nghị triển khai cấp đất.

- Đưa đoàn viên bần nông tham dự Hội nghị triển khai cấp đất.

Các tổ chức Đoàn cơ sở cùng với Đảng bộ và chính quyền các cấp tuyên truyền giáo dục cho tuổi trẻ và bà con quần chúng hiểu rõ và thực hiện những chính sách giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất cho nhân dân chính phủ… Đã tạo được niềm tin phấn khởi trong quần chúng.

Bên cạnh công tác phát triển sản xuất là công tác bảo vệ sản xuất, chống địch càn quét cướp lúa.

Hàng ngàn thanh niên cùng đồng bào đấu tranh giành giật với địch, không cho chúng cướp lúa. Ta đã giành được hàng ngàn giạ lúa từ tay địch.

Công tác tuyên truyền giáo dục thanh niên trong các vùng tôn giáo, vùng dân tộc Khơme, người Hoa từ trước tới nay còn yếu đã được Tỉnh Đoàn quan tâm, chú trọng. Công tác tuyên truyền, xây dựng các cơ sở Đoàn ở khu vực này được đẩy mạnh nên đã tập hợp thêm được lực lượng cách mạng, phá âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo của địch.

Năm 1950, đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào thanh niên Cà Mau, đó là sự phát triển của phong trào đấu tranh với địch ở các đô thị của học sinh, thanh niên. Ngày 01-5 và ngày 19-5-1950 kỷ niệm ngày quốc tế lao động và ngày sinh nhật Bác, công nhân, thanh niên, học sinh rải truyền đơn, căng biểu ngữ ngay trong thị trấn Cà Mau. Địch hoàn toàn bất ngờ và lúng túng.

Phong trào nữ thanh niên có bước phát triển, gần 8 ngàn nữ thanh niên tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức. Chị em tham gia các đội nữ dân quân du kích, nữ tự vệ, lập được nhiều tiểu đội nữ du kích trực tiếp tham gia chiến đấu. Chị em tham gia các công tác luyện tập quân sự, canh gác, bảo đảm hậu cần. Nhiều chị em tham gia phá lộ hàn cản không thua kém nam giới. Chị em còn may áo quần, thêu khăn gửi các chiến sĩ với tấm lòng nghĩa tình hậu phương – tiền tuyến.

Đầu năm 1950, Đoàn đã tổ chức được hàng vạn em thiếu nhi vào đội thiếu nhi cứu quốc. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các em đã được các anh chị hướng dẫn tổ chức tham gia các công tác kháng chiến: đưa thư, làm liên lạc, đào hầm tránh máy bay, trồng cây bóng mát, cùng các anh chị thanh niên canh gác xóm, làng… Các em đã được tổ chức trong 332 tổ truyền tin, tập hát múa, kịch phục vụ những ngày lễ ở xóm, ấp…

Đến năm 1951 – 1952, bộ máy tổ chức Đoàn được củng cố từ tỉnh xuống cơ sở. Đoàn viên và thanh niên toàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì tiến tuyến – tất cả để chiến thắng giặc Pháp xâm lược” mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I đã đề ra.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã chuyển qua một giai đoạn mới. Sau chiến thắng biên giới 1950, ta mở hàng loạt chiến dịch: Trần Hưng Đạo (12/1950), Hoàng Hoa Thám (03/1951); Hòa Bình (cuối 1951). Quân Pháp trên chiến trường chính bị đẩy vào thế phòng ngự bị động, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt từng mảng lớn. Thắng lợi trên chiến trường chính Bắc Bộ của ta đã có tác động mạnh mẽ đến chiến cuộc ở Nam Bộ. Hòa nhịp cùng chiến thắng trên các mặt trận, phong trào kháng chiến ở Nam Bộ cũng giáng cho địch những đòn mạnh mẽ. Để cứu vãn tình thế và giành lại thế chủ động đã mất. Pháp ra sức lấn chiếm, vơ vét sức người sức của ở Nam Bộ phục vụ cho cuộc chiến tranh. Chúng lợi dụng thời gian trước khi chiến cuộc Đông Xuân mở màng trên chiến trường chính để tập trung các đơn vị cơ động đánh phá ác liệt các vùng căn cứ của ta. Ở các vùng tạm chiếm, chúng ta tăng cường ách kềm kẹp, tăng cường bắt lính. Cuộc đấu tranh giành đất giành dân giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt trên khắp Nam Bộ cũng như ở Cà Mau. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống bắt thanh niên đi lính, chống lại âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Đoàn lãnh đạo phong trào đấu tranh chống địch bắt lính với nhiều hình thức đấu tranh. Từ hình thức thấp là vận động thanh niên trốn không cho địch bắt đến những hình thức cao hơn như đánh lại cảnh sát, phá các trại tập trung. Đoàn viên thanh niên đã rải truyền đơn bằng ba thứ tiếng Việt, Khơme, Hoa kêu gọi thanh niên không đi lính cho giặc và đấu tranh chống địch bắt lính. Các đội công tác bí mật tích cực hoạt động, trừ gian diệt ác, hỗ trợ phong trào chống bắt lính.

Trong cuộc đấu tranh chống bắt lính, chị em phụ nữ và các má đóng vai trò tích cực. Các chị, các má đã đấu tranh quyết liệt với địch đòi lại chồng, con mình không đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhiều nơi ta còn hướng dẫn thanh niên cách làm nội ứng khi bị bắt vào lính… Phong trào đấu tranh bắt lính phát triển mạnh mẽ đã làm âm mưu bắt lính của địch thất bại. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1952 ta đã giải thoát hàng trăm thanh niên bị giặc bắt đi lính.

Song song với cuộc chiến đấu chống địch lấn chiếm và cuộc đấu tranh chống bắt lính, Đoàn đã đẩy mạnh thêm một bước phong trào quân sự hóa thanh niên, phong trào chiến tranh du kích phát triển vững chắc. Lực lượng của ta hoạt động mạnh, đã chặn đánh tiêu diệt địch càn quét vào làng xóm.

Các đội dân quân du kích còn làm công tác bảo vệ mùa màng. Đây là một công tác quan trọng được đặt ngang tầm với nhiệm vụ chiến đấu. Đoàn viên thanh niên ở cơ sở tham gia thu thuế nông nghiệp và đi đầu trong công tác tăng gia sản xuất, làm ruộng tự túc…

*

* *

Cuộc kháng chiến càng gần tới ngày thắng lợi càng lắm gian nang. Kẻ địch điên cuồng đánh phá ta trên tất cả các mặt nhằm “Tạo ra những điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có danh dự…1 ở Đông Dương. Trên địa bàn Nam Bộ, Pháp tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các khu căn cứ du kích, càng đi quét lại các vùng tạm bị chiếm, dồn dân vào các khu vực tập trung, tăng cường bắt thanh niên đi lính để làm nhiệm vụ “Giữ nhà” cho quân Pháp cơ động tiến công ta…

Địch đã mở hơn một trăm cuộc càn quét vào các vùng căn cứ của ta ở Cà Mau, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, có cuộc càng quét kéo dài hơn 02 tuần (từ ngày 19/5 đến 04/6/1953 ở khu vực Ngọc Hiển, Trần Văn Thời. Ở những nơi giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm như Rạch Ráng, Cây Khô địch tăng thêm nhiều đồn bót. Ở các vùng căn cứ sâu của ta, địch dùng máy bay đánh phá ác liệt, nhằm vào các cơ quan, các tuyến giao thông, tiếp vận như Rau Dừa, Cái Nước. Địch thường xuyên dùng tàu chiến thọc sâu vào các sông Gành Hào, Kinh Xáng Hộ Phòng bắt xuống ghe, đốt phá nhà cửa của nhân dân ta hai bờ sông. Chúng còn tung gián điệp, biệt kích, chỉ điểm vào vùng giải phóng của ta để dò la tin tức, tiến hành chiến tranh tâm lý, tung tin đồn nhảm gây hoang mang trong nhân dân. Càn quét đến đâu địch vơ vét, cướp phá lương thực, thực phẩm, triệt phá cơ sở sản xuất của ta bắt thanh niên về trại lính… Ở vùng ven Cà Mau, địch tăng cường thêm một tiểu đoàn với ý đồ xây dựng một căn cứ quân sự làm bàn đạp để đánh phá U Minh và Ngọc Hiển là nơi tập trung nhiều cơ quan của Trung ương Cục và Ủy ban kháng chiến hành chính nam Bộ.

Sự đánh phá điên cuồng của địch trong những tháng cuối năm 1953, đầu năm 1954 đã gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất. Chúng đã thu được một số kết quả nhất định như bắt được một số thanh niên đi lính, cướp giật được phần nào lúa gạo, thực phẩm, đời sống nhân dân ta bị địch tàn phá nặng nề.

Trước tình hình ấy, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nêu cao lòng tin tưởng vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, tiến lên đánh địch với tinh thần “Tổng phản công” phối hợp với chiến trường đẩy nhanh cuộc kháng chiến đến thắng lợi đánh trả các cuộc càn quét của địch.

Ngày 15-3-1953, tại Đất Sét, xã Phú Mỹ, Cái Nước, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đã khai mạc. Đại hội đã thể hiện quyết tâm của quân dân toàn tỉnh là: “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”.

Ngày 21-3-1953, Tỉnh ủy ra Nghị quyết vận động tòng quân. Tuổi trẻ toàn tỉnh đã hăng hái đăng ký. Chỉ trong vòng hai tháng đã có 1.600 thanh niên nam nữ đăng ký tòng quân giết giặc. Phong trào tòng quân càng sôi nổi trong những ngày phối hợp với chiến tranh Điện Biên Phủ cuối năm 1953 đầu năm 1954. Chỉ trong 5 tháng đã có cả chục ngàn thanh niên gia nhập các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực miền.

Để phá các cuộc càng quét của địch, các đội du kích và bộ đội địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực tích cực chống càn, bảo vệ vùng giải phóng. Các đội du kích và bộ đội địa phương ở Ngọc Hiển, Cà Mau…Tích cực bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, nhất là ngăn chặn việc bắt thanh niên đi lính ở vùng ven thị xã và nông thôn.

Trên các tuyến sông Ông Đốc, Thới Bình, Bà Kẹo…Bộ đội ta bẻ gãy cuộc hành quân của 02 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên. Bộ đội Cà Mau, phối hợp với du kích các xã phá nhiều tháp canh, đánh địch đi càn quét cướp bóc vùng tạm chiếm, diệt hơn 200 tên…tính chung cho đến tháng 4/1954, trong thời gian phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân tỉnh nhà đã diệt gần 1.000 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, diệt, bức rút, bức hàng hàng chục đồn bót, tháp canh, giải phóng thêm nhiều vùng. Trong cuộc chiến có nhiều đoàn viên, thanh niên đấu tranh ngoan cường, dũng cảm. Qua đó, một số đoàn viên, thanh niên ưu tú đã được kết nạp vào Đảng, vào Đoàn trên mãnh đất quê hương.

Vừa chiến đấu tiêu diệt địch, các cơ sở Đoàn còn tập trung chống địch cướp phá, bảo vệ nông thôn tham gia sản xuất và vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Lực lượng thanh niên phối hợp với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị đã đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Cà Mau phối hợp nhịp nhàng cùng cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước đẩy địch lún sâu vào thế bị động.

Khí thế chiến thắng trên khắp chiến trường của tổ quốc làm nức lòng tuổi trẻ và nhân dân khắp vùng Đất Mũi.

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Hiệp định Giơ – ne – vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ Tịch cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lực của dân tộc ta kéo dài gần 9 năm đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt đã thắng lợi hoàn toàn.

*

* *

Suốt chặn đường kháng chiến trường kỳ và gian khổ, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Đoàn thanh niên Cà Mau đã cùng toàn quân, toàn dân tỉnh nhà anh dũng chiến đấu và góp những chiến công oanh liệt vào chiến thắng của cuộc kháng chiến. Tinh thần kiên cường bất khuất của tuổi trẻ Đất Mũi là sự tiếp nối của truyền thống yêu nước ngoan cường, của tinh thần yêu độc, tự do “Thà thết không chịu sống quỳ” của dân tộc ta, của nhân dân Nam Bộ.

Là tỉnh tận cùng cực Nam của Tổ quốc Cà Mau vừa anh dũng tiến công địch dành thắng lợi, vừa làm tròn nhiệm vụ của một căn cứ địa, một hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho cả chiến trường nam Bộ và Tây Nam Campuchia trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tuổi trẻ Cà Mau vô cùng tự hào vì đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân dân tỉnh nhà và tuổi trẻ Nam Bộ đã đứng lên đáp lời sông núi, anh dũng bảo vệ quê hương đất nước.

Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Cà Mau dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh Đảng bộ của Đoàn thanh niên cứu quốc Nam Bộ, là hạt nhân đoàn kết, tập hợp các tầng lớp và tổ chức thanh niên tích cực tham gia công cuộc kháng chiến – kiến quốc, luôn xứng đáng là đội quân xung kích, là lực lượng cách mạng hùng hậu của Đảng, của dân tộc.

Qua rèn luyện và chiến đấu, Đoàn không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Hệ thống tổ chức Đoàn ngày càng được kiện toàn và phát triển cùng với sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến.

Trong những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước tặng tưởng cho Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam, có sự góp phần xứng đáng của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở miền đất tận cùng của tổ quốc.
 
  CÁC TIN BÀI KHÁC

TỈNH ĐOÀN CÀ MAU
Số 97, Phan Ngọc Hiển, Phường 5, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Điện thoại: (02903) 815.787 - 831.250  Fax: (02903) 834.423
Giấy phép số197/GP - TTĐT ngày 04/12/2009 của Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Tên miền: 
www.tinhdoancamau.com.vn
Ban biên tập Email:
tinbaiwebsitetinhdoan@gmail.com
Ghi rõ nguồn: "Website Tỉnh đoàn Cà Mau" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Số Người Online
hit counter joomla