img
img
Thứ 7, 02/12/2023 11:25:57
| | Liên kết
  Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết, gương mẫu, xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc! Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế! Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết - gương mẫu - xung kích - sáng tạo - khởi nghiệp Tuổi trẻ Cà Mau phát huy truyền thống cách mạng, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp!
Chương VII: Tuổi trẻ Cà Mau góp phần đánh bại
Thứ 6, 25/06/2010 04:04:38

CHƯƠNG VII

TUỔI TRẺ CÀ MAU GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT”

CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, SÔI NỔI THAM GIA PHONG TRÀO “NĂM XUNG PHONG” (1961 – 1968)

Cao trào đồng khởi của nhân dân miền Nam nói chung, tuổi trẻ và nhân dân Cà Mau nói riêng đã làm phá sản chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang thực hiện “Chiến lược, chiến tranh đặc biệt” bằng việc sử dụng quân đội tay sai do chúng chỉ huy, trang bị và huấn luyện, với “Kế hoạch Stalây – Taylơ” nhằm “Bình định miền Nam trong vòng 18 tháng”, để tiêu diệt lực lượng Cách mạng và cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Trước sự phát triển mới của tình hình cao trào đồng khởi và những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù nhằm thực hiện nhiệm vụ, phương châm đấu tranh trước mắt của cách mạng miền Nam do Bộ Chính trị đề ra là:.. phát động phong trào chiến danh du kích của toàn dân để chống địch, phá “Ấp chiến lược”, phối hợp ba mặt đấu tranh: chính trị, quân sự, binh vận, phối hợp lực lượng cơ sở bên trong với lực lượng vũ trang tiến công từ bên ngoài phá “Ấp chiến lược”, trên cơ sở so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Cà Mau, Đảng bộ đã phát động phong trào cách mạng quần chúng trong toàn tỉnh với khẩu hiệu “Nông dân làm chủ nông thôn”, “Nông dân làm chủ ruộng đất”, đồng thời phát huy thắng lợi của phong trào đồng khởi, Đảng bộ đã động viên toàn Đảng, toàn dân quyết tâm nổ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, đánh gã bộ máy tề ngụy, cả lực lượng quân sự cơ sở, phá “Ấp chiến lược”, “Khu trù mật” của địch.

- Ra sức xây dựng chính quyền và các đoàn thể cách mạng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng nông thôn giải phóng, nhất là xây dựng lựng lượng vũ trang, xây dựng xã, ấp chiến đấu dồn sức tấn công địch, đánh bại “Quốc sách Ấp chiến lược”.

Nhận thức được vai trò và vị trí của thanh niên nói chung và của tổ chức Đoàn nói riêng, các cấp ủy Đảng đã hết sức quan tâm đến công tác thanh niên và phong trào thanh niên. Ban thanh vận của tỉnh và các huyện đã được thành lập và tăng cường một bước để đủ sức chỉ đạo cơ sở.

Ban thanh vận tỉnh đã lần lượt trực tiếp xuống huyện mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Đoàn ở cơ sở nắm được những vấn đề cơ bản, những điều cần thiết, những công việc phải làm. Mỗi học viên còn được nghe nhiều báo cáo thực tế, được hướng dẫn nắm vững năm bước công tác của người cán bộ dân vận. Nhờ vậy, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở tỉnh nhà trong những năm 1960-1961 có sự chuyển biến đáng kể, nhất là phong trào thanh niên tham gia xây dựng xã, ấp chiến đấu. Hầu hết thanh niên ở những vùng giải phóng vùng tranh chấp được tham gia lực lượng du kích, luyện tập quân sự, canh gác bảo vệ trật tự, an ninh xã, ấp. Thanh niên không những là lực lượng chủ yếu trong các đơn vị vũ trang ở cơ sở, ở huyện và tỉnh mà còn là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho lực lượng chiến đấu ở phía trước.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập để lãnh đạo mọi tầng lớp nhân dân chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Cùng với các tổ chức quần chúng khác, Hội LHTN giải phóng ra đời, bao gồm Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp sinh viên, Hội học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác. Đây là sự kiện chính trị quan trọng đối với cách mạng ở miền Nam.

Để phục vụ cho lễ ra mắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh vào ngày 20-12-1961 tại xã Phú Mỹ A, huyện Cái Nước. Hàng trăm thanh niên đã tham gia dọn dẹp, san phẳng hàng chục hecta đất để đón 30.000 người về dự. Đồng thời thanh niên đã làm tốt việc giữ gìn trật tự, trị an, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc mít tinh quan trọng này, và hỗ trợ cho đội quân tóc dài ở các huyện tập trung kéo ra thị xã Cà Mau biểu tình, đấu tranh chính trị buộc địch phải cầm chân đối phó. Sau đó, Ủy ban Mặt trận được thành lập đến các xã, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó Đoàn thanh niên là thành viên nòng cốt, đi đầu thực hiện cương lĩnh và chương trình hành động của Mặt trận.

Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam đã tách thành bộ phận miền Nam thành Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam, lúc này có tên là Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam. Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam tổ chức theo 5 cấp; Cấp trung ương, Khu, Tỉnh, Huyện và cơ cở. Thời gian này ở Cà Mau các tỉnh miền Nam chủ yếu mới có Chi đoàn, còn từ tỉnh, huyện mới có Ban Thanh vận vừa làm tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác thanh niên, vừa làm nhiệm vụ như một cấp bộ Đoàn, chỉ đạo công tác thanh niên, trong các năm 1961-1962, Ban Thanh vận tỉnh do đồng chí Sáu Toàn phụ trách và đồng chí Ba Trần làm trưởng ban cùng 11 đồng chí ủy viên; chi đoàn phần lớn có từ 5 đến 7 đồng chí đoàn viên do chi bộ trực tiếp chỉ đạo.

Để có đủ vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, tháng 7 năm 1961, đồng chí Bông Văn Dĩa được cử ra miền Bắc chở vũ khí. Tháng 3-1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí từ Bắc vào Nam về cặp bến an toàn ở Rạch Gốc, xã Tân Ân (Ngọc Hiển). Hàng chục thanh niên đã xung phong đến lao động suốt đêm chuyển hết số vũ khí đó đến nơi cất dấu an toàn. Đồng chí Bông Văn Dĩa đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Năm 1962, thực hiện chiến thuật “Phượng Hoàng bay”, địch dùng 50 máy bay trực thăng với những phương tiện hiện đại khác, đổ bộ một tiểu đoàn vào trung tâm xã Tân Hưng Tây. Do được chuẩn bị sẵn sàng từ trước nên khi chúng vừa kéo đến, chưa kịp tiếp đất đã dị du kích đánh trả quyết liệt. Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, tuổi trẻ Cà Mau với bản lĩnh chiến đấu ngoan cường, lòng dũng cảm và mưu trí vô song, “Phải giết địch trước khi nó giết mình” đã làm cho địch khiếp sợ và nêu những tấm gương ngời sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam – Đó là đoàn viên Nguyễn Việt Khái, đội trưởng du kích, đã mưu trí, dũng cảm, đón lõng, chờ cho máy bay địch xuống thấp, với 8 viên đạn Cạc – bin anh đã bắn rơi 02 máy bay địch và bắn bị thương hai chiếc khác. Chiến công của anh không những cổ vũ anh chị em trong đơn vị mà còn mở ra phong trào dùng súng trường bắn máy bay trong toàn tỉnh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó về sau địch không giám sử dụng chiến thuật “Phượng Hoàng bay” trên chiến trường Cà Mau. Nguyễn Việt Khái đã được tuyên dương “Anh hùng giải phóng miền Nam”.

Chị Hồng Thắm ở xã Trí Phải bị địch bắt đưa lên máy bay, chị kiên quyết không để cho chúng trở về sân bay. Khi máy bay lên thẳng vừa bay lên cao, chị ôm tên Mỹ và nhảy xuống đất. Tên Mỹ chết ngay tại chổ. Chị thoát về ấp, tiếp tục cuộc chiến đấu. Hành động phi thường đó thể hiện tinh thần dũng cảm và lòng căm thù sâu sắc bọn xâm lược Mỹ của con gái Việt Nam.

Cuối năm 1962, Tỉnh ủy họp hội nghị mở rộng nhằm đánh giá phong trào nổi dậy trong hai năm qua, đồng thời nêu chủ trương tiếp tục đánh địch và củng cố vùng giải phóng, tăng cường xây dựng các đoàn thể và Mặt trận Dân tộc giải phóng, đẩy mạnh tấn công địch, làm chủ thêm nhiều tuyến mới, tiếp tục cô lập kẻ địch và bức rút nhiều đồn bót địch.

Với phương châm “Ba mũi giáp công” (Chính trị, quân sự và binh vận). Tuổi trẻ và nhân dân Cà Mau đã liên tiếp giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh của hàng trăm nữ thanh niên thị xã Cà Mau được sự hỗ trợ của hàng ngàn quần chúng đã buộc địch phải thả trên 100 thanh niên bị bắt lính. Cuộc đấu tranh chống bắt lính đã diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Ở vùng ven, phong trào đấu tranh không đi tập quân sự, không đi canh gác, không vào phòng vệ dân sự, không cho con em đi quân dịch ngày càng phát triển.

Bị thất bại nặng nề, lực lượng bị hao hụt nghiêm trọng, bước sang năm 1963, địch tăng cường bắt lính để bổ sung quân số. Trước tình hình ấy, Ban Thanh vận tỉnh (Lúc này do các đồng chí Sáu Toàn, Nguyễn Sấn, Trần Văn Mẫn lãnh đạo) chỉ thị cho cấp bộ Đoàn cơ sở: Bằng mọi cách phải tập trung chống chế độ quân dịch, phá tan âm mưu bắt lính của địch. Kết quả, chỉ tính trong 8 tháng đã có hàng trăm cuộc đấu tranh, giải thoát cho trên 4000 thanh niên bị bắt đi lính và 1800 thanh niên không tham gia lực lượng bảo an, dân vệ. Khi chúng vào bắt thanh niên theo đạo Thiên chúa, thanh niên dân tộc Khơ-me, dân tộc Hoa đi tập quân sự, đi quân dịch v.v... Cũng bị phản đối kịch liệt. Nhiều thanh niên đã chạy vào vùng giải phóng để tránh bị bắt đi lính.

Cùng với phong trào chống quân dịch, tuổi trẻ, nhất là nữ thanh niên đã đi đầu trong công tác vận động binh lính địch trở về với nhân dân. Từ đồng khởi năm 1960 đến năm 1963 đã có 44.77 binh sĩ lính, sĩ quan ngụy đào rã ngũ, 10.222 lượt binh lính tham gia trong 1.312 cuộc đấu tranh. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc binh lính bỏ đồn bót, diệt bọn chỉ huy ác ôn mang súng trở về với cách mạng như các đồn Kinh Hai Ngó, Tân Đức, Rau Dừa, Bà Đặng v.v… Vì cùng trang lứa nên khi họ vào hoạt động của mình, dần dần đưa họ vào Hội LHTN và các tổ chức thanh niên khác.

Cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam nói chung và ở Cà Mau nói riêng phát triển vô cùng phong phú. Để bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ xã ấp, không cho kẻ địch đến càn quét, cướp bóc, phong trào xây dựng ấp, xã chiến đấu đã thu hút tất cả mọi người tham gia. Từ vót chông, đào hầm chông, đào hào, đấp ụ, xây dựng trận địa chiến đấu, gài mìn, luyện tập chiến đấu, canh gác ngày đêm bảo vệ an ninh trật tự v.v.. nam, nữ thanh niên là những người hăng hái nhất, là lực lượng chủ yếu.

Vùng nông thôn giải phóng Bạc Liêu – Cà Mau ngay sau đồng khởi vốn đã khá rộng và ngày càng mở rộng thêm. Vì thế, nhiệm vụ xây dựng hậu phương đặt ra cho tổ chức Đoàn và thanh niên những công tác hết sức nặng nề và phức tạp trong điều kiện vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, vừa phải sẵn sàng đối phó với sự đánh phá của địch, vừa phải tích cực tham gia sản xuất và xây dựng cuộc sống mời. Là lực lượng lao động chính ở nông thôn, thanh niên đã đi đầu trong sản xuất nông nghiệp đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, nhất là ở những nơi còn bom đạn địch, những nơi thường xuyên bị địch đánh phá. Năm 1963 toàn tỉnh đã đắp được 819 đập ngăn nước mặn, đào được 59.363 mét kinh và nạo vét hàng chục nghìn mét kinh dẫn nước và các kinh giao thông để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, trong đó có trên một nữa là công trình do thanh niên đảm nhận, số còn lại thanh niên cũng là lực lượng xung kích. Vì thế cuộc sống của nhân dân trong các vùng giải phóng tuy còn khó khăn nhưng vẫn bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu. Không những thế nhân dân còn đóng đủ đảm phụ 1 để cung cấp cho tuyền tuyến và những nhu cầu của cách mạng.

Các chi đoàn trong các vùng giải phóng còn cử những đoàn viên, thanh niên có khả năng dạy bổ túc văn hóa cho thanh niên và nhân dân, đi học các lớp cứu thương, học sư phạm để phụ trách những công việc này trong ấp, trong xã. Năm 1963, vùng giải phóng đã xây dựng được 118 trường học gồm 763 giáo viên, tuyệt đại bộ phận là giáo viên trẻ, với 23.100 học sinh và hàng ngàn lớp bình dân học vụ bổ túc văn hóa cho người lớn.

Cà Mau là vùng căn cứ địa cách mạng, là nơi có thế mạnh về địa hình và tiềm năng to lớn về nhân lực, vật lực của chiến trường ta trong chiến tranh cách mạng. Vì thế, kẻ địch đã tập trung một lực lượng lớn quân chủ lực, phản động để khống chế và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Năm 1962-1963, trên địa bàn tỉnh số quân đội chính quy của chúng đã lên tới 5.965 tên, chưa kể hàng vạn “Thanh niên chiến đấu”, “Thanh niên cộng hòa”, bảo an, dân vệ v.v… Để cứu vãn tình thế, chúng tăng cường đánh phá và gom dân lập “Ấp chiến lược”. Trong hai năm (1962-1963) ở khu vực Cà Mau chúng đã tổ chức hàng ngàn cuộc hành quân đánh phá nhiều lần, chúng dùng cả thủy quân và không quân. Chúng lập hàng trăm chi khu, căn cứ quân sự lớn và đồn bót để kiểm soát và khống chế phong trào cách mạng, nhất là ở các thị xã, vùng ven, các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Duyên Hải, Thới Bình. Thời gian này so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có sự thay đổi đáng kể giữa ta và địch. Đêm 9 rạng ngày 10-9-1963, quân giải phóng đã phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ tấn công chi khu Cái Nước. Chỉ sau 1 giờ đột nhập vào thị trấn, tiêu diệt toàn bộ chi khu, diệt hơn 250 tên địch, làm bị thương 90 tên khác. Giải thoát hàng ngàn đồng bào bị kìm kẹp trong các “Ấp chiến lược” hoặc bị địch giam, giữ. Cùng lúc, ta tiêu diệt cứ điểm Rau Dừa cách Cái Nước 10 km. Ta làm chủ thị trấn Cái Nước trong 17 giờ. Khi quân cứu viện của địch nhảy dù xuống thì ta đã san phẳng toàn bộ đồn bót. Cũng trong đêm ngày 10-9-1963, ta tiêu diệt chi khu Đầm Dơi phá hủy toàn bộ sở chỉ huy và công sự của địch, đánh bại nhiều đợt đổ quân cứu viện của Mỹ - ngụy, tiêu diệt và bắt sống 325 tên, bắn rơi 03 máy bay, giải phóng cho 200 gia đình trong “Ấp chiến lược”.

Hai trận đánh tiêu diệt gọn 02 chi khu quân sự trong cùng một lúc đã đánh một đòn sấm sét vào bộ máy quân sự của Mỹ - ngụy và đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của tỉnh nhà. Tiếp đó ngày 17 và 18 tháng 10 và 23 tháng 11 chúng ta đã chiến thắng giòn giã ở Lộc Ninh (Hồng Dân) và Chà Là (Cà Mau) chứng tỏ sự mạnh vượt bậc của lực lượng vũ trang giải phóng giáng một đòn nặng nề vào quân chủ lực ngụy, quét sạch từng mãn hệ thống chiếm đóng và “Ấp chiến lược” của địch, mở rộng vùng giải phóng, thúc đẩy phong trào nổi dậy và binh vận toàn tỉnh.

Vai trò của tuổi trẻ, của Đoàn không chỉ phát huy trên mặt trận đấu tranh quân sự, trực tiếp tiêu diệt và tiêu hao lực lượng của địch mà còn đóng vai trò xung kích trên mặt trận đấu tranh chính trị. Tuy xuất hiện trong các cuộc đấu tranh, bãi công, bãi thị, Binh vận, trong các cuộc xuống đường phản đối Mỹ, ngụy, lực lượng thanh niên không đông, chủ yếu là nữ thanh niên, nhưng đoàn viên, hội viên đã cùng với các đồng chí đảng viên, cán bộ đi sâu vào từng gia đình từ ngõ hẽm để tổ chức và vận động bà con tham gia đông đảo. Vì thế đã có hàng triệu lượt người từ nông thôn đến thành thị trực tiếp đối mặt với kẻ thù, buộc chúng chấp nhận yêu sách. Tại xã Tân Hưng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, hàng ngàn người đã tập trung bao vây đồn Vàm - Xáng, đòi địch không được khủng bố, bắn giết những người lương thiện, đòi bồi thường thiệt hại do chúng gây ra. Địch bắn vào đoàn biểu tỉnh, làm nhiều người chết. Người trước ngã, người sau tiếp bước tiến lên. Lá cờ từ tay đồng chí Thanh Hồng dũng cảm đi đầu đoàn biểu tỉnh, trước lúc hy sinh đã được chuyển sang tay người khác – cho đến khi giành được thắng lợi.

Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ và nhân dân Đầm Dơi năm 1962, có hơn 5000 người tham gia là cuộc đấu tranh trực diện có quy mô lớn. Địch dùng súng bắn xối xả làm nhiều người chết và bị thương, nhưng không một ai nhụt chí, buộc chúng phải nhượng bộ và chấp nhận mọi yêu cầu.

Trong hai năm 1962-1963 đã có tới 7.513 cuộc biểu tình, với trên 5 vạn lượt người tham gia chống dồn dân lập “Ấp chiến lược”, chống khủng bố, cướp bóc, chống bắn phá vào thôn ấp đòi thả những người bị bắt và giam giữ vô tội, buộc địch phải chấp nhận trả tự do cho hàng ngàn người, 1.140 gia đình được giải thoát khỏi “Ấp chiến lược” v.v...

Chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô đã gây sự bất bình tột độ trong dân chúng. Để hồng cứu vãn chế độ ngụy, ngày 01-11-1963 thông qua một số tướng lĩnh, Mỹ lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, anh em Diệm – Nhu bị giết. Tuy nhiên, Mỹ - ngụy lại bước vào một giai đoạn khủng hoảng chính trị triền miên. Ngày 30-01-1964, Mỹ lại dùng Nguyễn Khánh lật đỗ Dương Văn Minh vừa thay Diệm. Với sự hung hăng của một tên côn đồ tay sai Mỹ, ngày 12-02-1964, Nguyễn Khánh ra sắc lệnh đặt Cộng sản và lực lượng trung lập ra ngoài vòng pháp luật, đồng thời hô hào “Bắc tiến”.

Liên tiếp bị thất bại nặng nề trong việc thực hiện chính sách thực dân mới, nhất là trong chiến lượt “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ lại điên cuồng ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ” đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ngày 05-8-1964, sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, Mỹ đã cho không quân đánh phá một số vùng ở miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân chống Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Năm 1965, ba chỗ dựa chủ yếu của chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ là: ngụy quân, ngụy quyền và chương trình “Bình định” với hệ thống “Ấp chiến lược” đều bị lung lay, đang trên đà sụp đổ. Từ ngày 06-3-1965, tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng và đến 12-5-1965 đã có thêm 19.000 quân. Ngày 17-7-1965 Tổng thống Giôn-xơn chuẩn y đề nghị của Oét mô len vội vàng tăng thêm 34 tiểu đoàn (gồm 100.000 quân) để thực hiện kế hoạch mùa khô 1965, 1966 và đưa nước Mỹ bước vào một cuộc chiến tranh trên đất liền Châu Á chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Tình hình đó đặt ra cho tuổi trẻ miền Nam nói chung và tuổi trẻ Cà Mau nói riêng một trách nhiệm hết sức nặng nề và to lớn.

Từ đầu năm 1964, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn được thành lập cùng với các huyện Đoàn tạo thành hệ thống tổ chức Đoàn hoàn chỉnh. Lúc đầu tỉnh Đoàn chỉ có 7 đồng chí chuyên trách. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địa bàn bị chia cắt, thường xuyên bị bọn biệt kích thám báo phục kích, bị máy bay địch quanh tạc, do đó đi lại chỉ đạo công tác rất khó khăn, nhiều đồng chí cán bộ Tỉnh Đoàn, huyện Đoàn hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

Với đặc điểm của đội ngũ cán bộ Đoàn và thường xuyên thay đổi, do đó thường xuyên bổ sung cán bộ mới. Vì thế ngay từ khi thành lập Tỉnh Đoàn đã hình thành Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Trường đã cùng các huyện Đoàn luân phiên mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cơ sở và các đồng chí trong Ban Chấp hành huyện Đoàn. Trường đã mỡ lớp bồi dưỡng cho tất cả các huyện, mỗi năm mỗi huyện từ 1 đến 2 lớp. Cơ sở Đoàn đã phát triển rộng khắp đến từng ấp ở vùng giải phóng. Phần lớn vùng tranh chấp đã có tổ chức Đoàn. Riêng vùng bị địch kiểm soát và trong hàng ngũ quân đội ngụy chúng ta cũng đã cài được nhiều đoàn viên và thanh niên tích cực làm lực lượng nội tuyến.

Từ 16 đến ngày 26/3/1965, Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ I đã được tổ chức tại vùng căn cứ Tây Ninh. Đại hội đã phát động trong thanh niên miền Nam phong trào “Năm xung phong”. Đó là:

1- Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

2- Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.

3- Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.

4- Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.

5- Xung phong sản xuất nông nghiệp.

Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội ngày 20/4/1965, Đội thanh niên xung phong đầu tiên của miền Nam đã được thành lập. Tháng 05/1965, Tỉnh Đoàn đã tổ chức Đội thanh niên xung phong Nguyễn Việt Khái I gồm trên 100 đội viên. Đây là Đại hội thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh Cà Mau do đồng chí Tư Thắng làm chính trị viên, đồng chí Bảy Bình làm đại đội trưởng và đồng chí Sáu Thu làm đại đội phó. Hơn 2/3 đội viên là nữ. Ngày 15-5-1965, đại đội Nguyễn Việt Khái I làm lễ xuất quân phục vụ sư đoàn 9 quân giải phóng miền Nam. Liền sau đó, Tỉnh Đoàn thành lập tiếp 02 đại đội thanh niên xung phong Nguyễn Việt Khái II do đồng chí Tô Minh Thi phụ trách, đại đội Nguyễn Việt Khái III, do đồng chí Bảy Năng phụ trách làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường từ Campchia đến miền Tây Nam Bộ. Tỉnh Đoàn còn lập 01 đội thanh niên xung phong hoạt động ven vùng thị xã, các vùng ấp chiến lược và chi khu địch do đồng chí Bảy Lối phụ trách. Năm 1966, ở Cà Mau lại thành lập một tiểu đoàn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường miền Đông.

Ngày 26-3-1967, liên đội I thanh niên xung phong khu 9 được thành lập, trong đó có 02 đội Nguyễn Việt Khái II, và Nguyễn Việt Khái III của tỉnh Cà Mau. Toàn Liên đội chịu trách nhiệm vận tải hàng từ biên giới, vượt qua kênh Vĩnh Tế, qua Đồng Bưng và rừng chàm ngót trăm cây số, vượt kênh Cái Sắn, lộ Cái Sắn sang huyện Giồng Riềng, xuống tới U Minh Thượng. Mùa khô dùng xe trâu, xe thồ; mùa nước nổi dùng xuồng. Trên tuyến đường ngày đêm không lúc nào ngớt bơm pháo, biệt kích và quân ngụy càn quét. Vượt lộ Cái Sắn phải trải tấm ni lông lên mặt đường để không lưu lại vết chân. Thiếu ăn, sốt rét hành hạ mà phải vận chuyển hàng và phải bảo vệ hàng và kho bãi, nhiều khi phải thức liên tục 27, 28 đêm liền. Hàng chục Đội viên đã anh dũng hy sinh. Sau hơn một ngàn ngày vật lộn với khó khăn, gian khổ, mưa bom, bảo đạn… nhưng tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ. Liên Đội đã được tặng thưởng 4 Huân chương giải phóng.

Từ năm 1965, đến đầu năm 1968, lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh ngày một phát triển, có mặt ở mọi nơi, phục vụ cho chiến trường cả nước. Tỉnh Đoàn đã cử ra một bộ khung cán bộ để trực tiếp phụ trách lực lượng Thanh niên xung phong gồm các đồng chí: Bảy Lối, Sáu Thu, Sáu Cương… cùng với sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh Đoàn như các đồng chí: Ba Trần Bí thư Tỉnh Đoàn (1965-1967), Bảy Thủy Bí thư Tỉnh Đoàn (1967-1968), Năm Bang Bí thư Tỉnh Đoàn (1968-1969), và hệ thống Đoàn các cấp. Tỉnh Đoàn cung cấp cho Trung ương hơn 2000 Thanh niên xung phong, 5000 cho chiến trường Tây Nam Bộ, và 3000 bổ sung cho lực lượng vũ trang và các ngành trong tỉnh. Đầu năm 1969, cuộc chiến tranh càng ác liệt, việc tiếp tế cho chiến trường Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Cà Mau tiếp tục xây dựng một khung lực lượng thanh niên xung phong do các đồng chí Út Bình, Ba Phước, Năm Đời…phụ trách để tổ chức vận chuyển vũ khí về cho tỉnh nhà. Nhiều tấm gương anh dũng hy sinh lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ vũ khí, bảo vệ hàng hóa, phục vụ kịp thời cho chiến trường của các tập thể và anh chị em Thanh niên xung phong tỉnh nhà. Đó là trung đội nữ Thanh niên xung phung do đồng chí Dung và đồng chí Đinh Kim Lăng phụ trách. Trong một chuyến vận chuyển vũ khí từ biên giới Hà Tiên về (6/1968) bị rơi vào ổ phục kích của địch, các chị đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hầu hết bị hy sinh và một số bị địch bắt nhưng các chị quyết không để cho vũ khí rơi vào tay giặc.

Đó là đồng chí Tư Hùng, cùng 4 đồng đội thuộc Đại đội Thanh niên xung phong Nguyễn Việt Khái III đã chiến đấu suốt 15 ngày đêm với cả 01 trung đoàn địch để bảo vệ kho vũ khí. Cuối cùng sức lực quá yếu và lực lượng không cân sức, các đồng chí đã dũng cảm dùng 50 kg thuốc để đánh sập kho hàng, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch.

Năm 1966, tổng số ngụy quân ở Bạc Liêu – Cà Mau lên đến 8.320 tên và hàng trăm tên cố vấn Mỹ, xây dựng thêm 90 đồn, củng cố 8 chi khu và các căn cứ quân sự quan trọng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tập trung vận động thanh niên tòng quân để bổ sung kịp thời cho lực lượng võ trang của khu và tỉnh, Tỉnh Đoàn đã mở đợt vận động thanh niên tòng quân, thực hiện phong trào “Năm xung phong” do Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam tác động. Ở hầu hết các xã, ấp vùng giải phóng đã tổ chức sinh hoạt thanh niên. Phong trào thanh niên tòng quân được phát động rộng rãi được đông đảo thanh niên hưởng ứng. Có cuộc họp gồm 43 thanh niên thì tất cả đều tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu.

Các huyện Đoàn và cơ sở Đoàn đã có rất nhiều hình thức động viên thanh niên tòng quân. Chỉ tỉnh trong tháng 11/1967 toàn tỉnh đã có 937 thanh niên tòng quân. Huyện Cái Nước trong 20 ngày đầu tháng 11-1967 đã có 600 thanh niên đăng ký gia nhập lực lượng võ trang, trong đó có 129 nữ, Giá Rai có 347 đoàn viên thanh niên đăng ký tòng quân. Ở các huyện Tư Kháng (Đầm Dơi bây giờ), Duyên Hải (Ngọc Hiển), Mười Tế (Trần Văn Thời) đã tuyển đưa hàng nghìn thanh niên lên đường chiến đấu.

Phong trào tòng quân đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia quân giải phóng của tỉnh, của khu và của miền. Tất cả anh chị em ở lại xã, ấp đều ở trong dân quân du kích. Riêng năm 1967, lực lượng du kích đã đánh 1.450 trận. Nhiều đội du kích trẻ hăng hái sáng tạo, tìm địch mà đánh, mà đánh rất giỏi, và gây thiệt hại lớn cho chúng. Du kích xã Lương Thế Trân, ven thị xã Cà Mau dùng chất nổ đẩy lùi một tiểu đoàn chủ lực ngụy, diệt nhiều tên, diệt gọn một trung đội dân vệ. Các đội du kích Hòa Thành, Định Thành, Phú Mỹ, Long Điền, Phong Lạc, Khánh Lâm, Trí Phải, Tạ An Khương, Quách Văn Phẩm, Ninh Quới, Tân Lợi, Năm Căn, v.v... đánh địch rất giỏi hầu hết là thanh niên.

Trong thời gian ngắn ta đã phá vở tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc và phí Nam thị xã Cà Mau và thọc sâu vào nội ô thị xã, diệt hàng trăm tên địch, làm cho bọn đầu sỏ phải hoảng sợ. Trong đó lực lượng ba thứ quân của ta đã tiến công mạnh gây cho Mỹ, ngụy tổn thất nặng nề, cuộc chiếm đóng của chúng không những không được mở rộng mà còn bị quân giải phóng uy hiếp liên tục. Ngược lại, về phía ta, khu giải phóng được mở rộng, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn, với 55 xã cơ bản được giải phóng nối liền từ rừng đước Năm Căn đến rừng tràm U Minh và đến các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai.

Tháng 10-1966, quân và dân huyện Đầm Dơi bao vây chi khu quân sự Tân Duyệt. Bằng phương pháp đào chiến hào vây hãm, đánh lớn suốt 100 ngày đêm, ép chúng vào thế bí, buộc bọn lính phải chạy về Giá Ngựa. Ở Tân Duyệt chỉ còn đồn lẽ. Đồng chí Dương Thị Cẩm Vân đã có mặt ở chiến hào suốt thời gian vây hãm, bám giữ mũi tiền tiêu, bắn trả diệt nhiều địch, được quân khu 9 phong là Nữ “Kiện tướng chiến hào”. Cách đánh sáng tạo đó đã được vận dụng trong toàn tỉnh và trong toàn khu Tây Nam Bộ.

Thắng lợi trên mặt trận quân sự đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào nổi dậy phá “Ấp chiến lược” của quần chúng và binh vận. Trong hai năm 1966-1967, quân và dân toàn tỉnh đã diệt được 9.850 tên địch, có hàng trăm tên Mỹ, thu trên 300 khẩu súng, nhiều đồn bót địch bị san bằng như Hòa Trung, Huyện Sử, Đầm Dơi, Láng Trâm, Cái Keo, Bào Mốp, Trại Trú, cụm cứ điểm dinh điền v.v.. ta bắn rơi 21 máy bay và bắn hỏng 93 chiếc khác, phá hủy 19 xe lội nước và nhiều phương tiện chiến tranh của địch, làm chủ nhiều vùng.

Để đưa cách mạng phát triển và vững chắc, Đảng ta chủ trương và kiên quyết đánh bại âm mưu “Bình định của địch”, vừa tích cực xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt. Do đó những năm đầu chống “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, tỉnh nhà đã thu được nhiều kết quả khả quan. Năm 1967, toàn Đảng bộ đã phát triển được 386 đảng viên, trong đó số đông là đảng viên trẻ. Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng đã kết nạp 700 đoàn viên, phát triển được 1.465 hội viên Hội liên hiệp thanh niên giải phóng và có trên 6000 nam nữ thanh niên tham gia dân quân du kích xã. Phong trào thanh niên tòng quân sôi nổi, hàng ngàn thanh niên trong tỉnh lên đường gia nhập các đơn vị vũ trang, tỉnh và huyện.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, tuổi trẻ tỉnh nhà đã hăng hái, tích cực cùng nhân dân xây dựng cuộc sống mới ở vùng giải phóng. Chị em nữ thanh niên vừa tham gia du kích, vừa đi đầu trong sản xuất cùng bà con canh tác được hơn 85 hec ta lúa trong năm 1967 và 13.590 lượt người tham gia vào tổ tập đoàn đổi công. Những bước tiến trên các mặt văn hóa, xã hội càng khích lệ tinh thần của thanh niên và nhân dân. Trong vùng giải phóng có bệnh viện của tỉnh, huyện, trạm xá ở các xã để phục vụ nhân dân. Các ngày lễ và mít tinh đều có các đoàn văn nghệ của tỉnh, huyện, xã do thanh niên phục vụ. Nhiều trường, lớp được mở để con em đến học. Đã cất được 50 trường mới, sửa chữa 37 trường học cũ, thu nhận gần 9000 học sinh đến học, tổ chức thêm 76 tổ bình dân học vụ, có 1.500 người đi học.

Đoàn luôn quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, chăm lo xây dựng Đội vững mạnh. Đội thiếu niên tiền phong đã có hầu khắp ở vùng giải phóng. Huyện Đầm Dơi có 4000 em, huyện Duyên Hải có 1.500 em, Trần Văn Thời có 4.800 em, Hồng Dân 3.000 em ở trong Đội thiếu niên tiền phong v.v... Từ tỉnh đến chi đoàn có cán bộ phụ trách đội và công tác thiếu nhi trong các lớp huấn luyện, do tỉnh và các huyện Đoàn mở có cán bộ phụ trách đội và có nội dung về công tác thiếu nhi. Phong trào Trần Quốc Toản, “nghìn việc tốt”, “phong trào việc nhỏ trí lớn” đã thu hút đông đảo các em tham gia. Nhiều em đã làm liên lạc cho chi bộ, chi đoàn, cho du kích. Nhiều em tham gia chiến đấu rất dũng cảm và lập công xuất sắc. Em bé Trung 10 tuổi cùng chị Lê Thị Hoa và chị Liên đã dẫn đơn vị bộ đội vào đánh bến Tuần Giang của Đại đội 11 làm cho quân địch khiếp sợ v.v… Biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm của lớp người “Tuổi nhỏ chí lớn” của tỉnh ta mà ở địa phương nào cũng có. Phổ biến, nhất là làm liên lạc, theo dõi tình hình hoạt động của địch, quan sát mục tiêu để báo cho bộ đội, du kích, cán bộ hoạt động bí mật, rồi vót chông v.v... Và muôn ngàn việc tốt khác. Sự đóng góp của các em vào cuộc chiến đấu của cha anh thật không nhỏ.

Thực hiện ý đồ chiến lượt của Đảng, từ tháng 11-1967, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng đã họp và quyết định động viên đoàn viên, thanh niên thừa thắng xốc tới cùng quân và dân toàn miền tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Thi hành chủ trương của Tỉnh ủy và Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn và các huyện Đoàn đã phân công cán bộ đi xuống cơ sở làm công tác giáo dục tư tưởng, quán triệt chủ trương và yêu cầu của Đảng, của Đoàn đồng thời vận động thanh niên hăng hái làm tròn mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Cuối năm 1967 đồng chí Bảy Thủy, Bí thư Tỉnh Đoàn trực tiếp xây dựng cơ sở Đoàn và quần chúng, thanh niên ở vùng ven thị xã. Các cơ sở cách mạng trong thị xã được rà soát và chuẩn bị tinh thần phục vụ khi có yêu cầu.

Tháng 11-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 nhận định: “Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lượt và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp các chiến trường… Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy dành thắng lợi quyết định”. Trên cơ sở nhận định đó Hội nghị chủ trương mở cuộc tấn công và nổi dậy đồng loạt tết Mậu thân 1968 nhằm đánh một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ.

Quán triệt chủ trương đó của Trung ương Đảng, quân và dân Cà Mau khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang. Một mặt rút các đơn vị ở xã, ấp bổ sung cho huyện và tỉnh, đồng thời huy động nam nữ thanh niên đi phục vụ chiến trường. Cả hai nhiệm vụ đó đặt ra cho các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên ta một trách nhiệm hết sức nặng nề.

Đúng như kế hoạch thống nhất toàn miền, đêm 30 rạng sáng ngày 31-01-1968, tức là đêm giao thừa tết Mậu thân, các lực lượng vũ trang và nhân dân Cà Mau đã đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy các thị xã, thị trấn và một số cứ điểm quan trọng trong tỉnh.

Ở thị xã Cà Mau, sau những đợt pháo kích dữ dội vào các mục tiêu quan trọng, gây cho địch nhiều thiệt hại, các mũi quân của ta theo các cơ sở quần chúng mà chủ yếu là thanh niên dẫn đường đã chiếm bót Thầy Giàu, bến Hải quân, khu Trung tâm chiêu hồi, cầu sắt, Phán Tề, khu Cao Thắng v.v… Diệt nhiều sinh lực địch. Ở một số khu vực quân ta đã đánh vào các chi khu, bao vây các đồn bót và gọi đầu hàng. Ta đánh thiệt hại nặng chi khu Phước Long, bao vây chi khu Năm Căn và nhiều cứ điểm quan trọng khác.

Hòa nhịp với chiến công của lực lượng vũ trang, quần chúng trong vùng địch kềm kẹp đã nổi dậy phá “Ấp chiến lượt” diệt tề trừ gian bức rút nhiều đồn bót giành quyền làm chủ. Ở huyện Duyên Hải (Ngọc Hiển) quân ta bao vây, bức rút chi khu Năm Căn vào ngày 12-02-1968. Đây là huyện giải phóng đầu tiên trong tỉnh.

Tháng 3-1968 ta tiến công vào thị xã Cà Mau lần thứ 2, do địch đã tập trung phòng thủ nên chúng ta gặp khó khăn, có mũi bị tổn thất khá nặng.

Sau 2 tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, quân và dân ta trong đó có chiến công của tuổi trẻ và nhân dân Cà Mau đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn thương lượng.

Trong thắng lợi to lớn của Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh, Đoàn thanh niên và tuổi trẻ đã có sự đóng góp xứng đáng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng quyết liệt với kẽ thù, Đoàn và phong trào thanh niên trong tỉnh đã có sự trưởng thành về nhiều mặt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của Đoàn và phong trào thanh niên của ở Cà Mau đã được phát huy rộng rãi, đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của từng cơ sở, đồng thời thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đoàn. Phong trào “Năm xung phong”, tổ chức lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, chống quân sự hóa học đường v.v... Trong thanh niên thể hiện điều đó. Từ đây công tác thanh niên và phong trào thanh niên ở Cà Mau, bắt đầu khởi sắc, mang sắt thái của một phong trào cách mạng của quần chúng trẻ tuổi tham gia một cách sôi nổi và hào hứng. Nội bật nhất là trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân mùa xuân năm 1968. Trong ba mũi tiến công là chính trị, binh vận và quân sự thì mũi nào cũng có vai trò tích cực của thanh niên và mũi nào thanh niên cũng là lực lượng xung kích. Đó chính là những bài học quý báu cho các cấp ủy Đảng, các cấp bộ Đoàn trong việc vận động thanh niên.

 
  CÁC TIN BÀI KHÁC

TỈNH ĐOÀN CÀ MAU
Số 97, Phan Ngọc Hiển, Phường 5, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Điện thoại: (02903) 815.787 - 831.250  Fax: (02903) 834.423
Giấy phép số197/GP - TTĐT ngày 04/12/2009 của Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Tên miền: 
www.tinhdoancamau.com.vn
Ban biên tập Email:
tinbaiwebsitetinhdoan@gmail.com
Ghi rõ nguồn: "Website Tỉnh đoàn Cà Mau" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Số Người Online
hit counter joomla