
|
Ảnh minh hoạ |
Hằng năm, cứ vào đầu tháng 11, đâu đâu trên đất nước Việt Nam cũng rộn lên không khí tưng bừng đón chào ngày 20/11 – ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam.
Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” – một truyền thống cao quý đã hình thành trong nếp sống và trở thành văn hóa của con người Việt Nam từ ngàn xưa. Ông cha ta dạy rằng:“Muốn sang phải bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ngày nay, nhân dân ta vẫn giữ được nét đẹp truyền thống mà ông cha ta đã lưu lại.
Ở Cà Mau, chỉ mới bước sang những ngày đầu tháng 11, người dân đã nô nức chuẩn bị cho ngày lễ này. Đây là dịp để các em học sinh, các bậc phụ huynh tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô.
Đối với học sinh Tiểu học, thường thì gần đến 20/11; cha mẹ cho con mình những đồng tiền nhỏ bỏ ống để đến dịp này các em mua những nhánh hồng đỏ cài lên ngực áo thầy cô của mình. Còn với những em học sinh cấp II, III và những bạn sinh viên, ngày 20/11 đối với họ thật thiêng liêng; bởi các em hiểu được công lao to lớn của thầy cô đã dìu dắt các em trên bước đường đi đến tương lai. Sự biết ơn ấy thể hiện bằng tấm lòng nhớ ơn thầy cô cũ, thể hiện bằng những hành động thiết thực. Vào ngày này, các em tổ chức đi thăm thầy cô và cài lên ngực áo thầy cô những bông hồng tươi thắm; rồi trò chuyện rôm rã những kỉ niệm mà thầy và trò điều ghi nhớ.
Riêng đối thầy cô; cũng tổ chức những hoạt động để mừng ngày lễ riêng của mình. Những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,…được tổ chức từ rất sớm. Đây là dịp để các thầy cô giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bên cạnh, nhà trường cũng tổ chức những cuộc thi “hái hoa dâng chủ”, những buổi văn nghệ,… do chính các em học sinh tham gia thể hiện tình cảm và lòng tri ân của mình đối với thầy cô. Đồng thời cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu sắc cho các em đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cho Phòng GD&ĐT, Phòng LĐTB&XH phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, Hội đồng Giáo dục, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức đánh giá tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương, nêu cao những thành tích đạt được; tổ chức thăm hỏi, động viên các cựu giáo chức và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các trường học trong tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại đơn vị của mình trên tinh thần trang trọng, thiết thực và tiết kiệm nhằm thể hiện được truyền thống “Tôn sự trọng đạo” của dân tộc ta.
Nhìn chung, không khí chung của người dân Cà Mau đang hân hoan chào đón ngày lễ này – ngày tri ân và tôn vinh thầy cô giáo.
|