Nghị quyết số 25-NQ/TW, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" chỉ rõ nhiều yếu kém, hạn chế của thanh niên và công tác thanh niên.
Trong đó nhấn mạnh: Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp, nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế...
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ chưa thực sự được coi trọng... Nhà nước thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ, lâu dài đối với thanh niên...
Trong số 460 đoàn viên người dân tộc trên địa bàn tỉnh có khoảng 40% có việc làm ổn định, còn lại làm theo thời vụ. Số đoàn viên dân tộc khá, giàu và thành đạt chủ yếu tập trung ở thành thị. Điều kiện học tập, nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt còn hạn chế.
Bên cạnh đó là điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Từ đó, việc đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc là việc làm cần thiết trong điều kiện phát triển hiện nay.

|
Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, nhiều mô hình sản xuất ĐVTN dân tộc ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh đạt năng suất cao.
Ảnh: PHONG TRÚC |
Anh Từ Hoàng Ân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: "Từ trước đến nay Tỉnh đoàn chưa làm được việc đào tạo nghề cho riêng lực lượng ĐVTN dân tộc. Trong khi đó, nhu cầu về học nghề và giải quyết việc làm cho ĐVTN dân tộc khác hơn nhiều so với mặt bằng chung của ĐVTN trong tỉnh.
Kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm hằng năm của Tỉnh đoàn luôn ưu tiên cho ĐVTN dân tộc. Song, điều đó cũng không phát huy hiệu quả bằng việc nếu như sắp tới chúng tôi làm được việc tập hợp riêng ĐVTN dân tộc để hỗ trợ theo nhu cầu thực tế".
Anh Dương Văn Sol, Phó Trưởng Ban đoàn kết tập hợp thanh niên của Tỉnh đoàn, cho biết: "ĐVTN dân tộc đa phần muốn bám trụ lại địa phương làm ăn. Trong khi đó trình độ, kinh nghiệm và khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên không thể đạt năng suất cao.
Năm 2010, số hội viên người dân tộc được kết nạp là 766 người, cho thấy ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc muốn tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội. Năm 2011, Ban đoàn kết tập hợp thanh niên sẽ có kế hoạch trình Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về việc dạy nghề cho ĐVTN dân tộc.
Trong đó chú trọng các ngành nghề theo nhu cầu địa phương như: đan đát, may mặc… nhằm tạo việc làm cho lao động tại chỗ, tránh thời gian nhàn rỗi giữa các vụ".
Huyện đoàn Thới Bình là một trong những đơn vị làm tốt việc đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc vào tổ chức Đoàn. Xã đoàn Hồ Thị Kỷ đã thành lập được chi đoàn dân tộc là Chi đoàn chùa Rạch Giồng, ấp Đường Đào với 32 đoàn viên. Khi thành lập (năm 2009) đến nay chi đoàn hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ cho nhiều ĐVTN về vốn, kỹ thuật trong sản xuất.
Anh Tạ Văn Thi, Phó Bí thư Xã đoàn Hồ Thị Kỷ, cho biết: "Toàn xã hiện có 615 thanh niên dân tộc, trong đó có 45 đoàn viên. Khi được kết nạp vào Đoàn họ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất nên tất cả đều phấn khởi. Từ đó mỗi khi sinh hoạt Đoàn họ tham gia rất nhiệt tình".
Bí thư Huyện đoàn Thới Bình Võ Minh Trí cho biết, chi đoàn thanh niên dân tộc của xã Hồ Thị Kỷ hoạt động tốt. Ngoài việc tham gia sinh hoạt các bạn còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vay vốn để phát triển kinh tế. Hiện có 2 ấp là Đường Đào và Cây Khô được hỗ trợ 150 triệu đồng cho đoàn viên vay làm kinh tế, mỗi hộ được vay 8 triệu đồng.
Tham gia vào tổ chức Đoàn không chỉ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình, mà còn là "luồng gió mới" tác động, làm thay đổi nhận thức về tổ chức Đoàn của thanh niên dân tộc, làm cho họ nhiệt tình tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội./. |