Quay lại Đặc san 26/03/2011
Là Y sỹ chăm lo sức khỏe cho bộ đội, nhưng đi đến đâu trên địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh nói đến Ngô Văn Sang chiến sỹ đồn Biên phòng 698, Biên phòng Cà Mau thì nhiều người biết và dành cho Sang một tình cảm đặc biệt. Họ thường gọi Sang là "Bác sỹ.
Quê Sang ở xã Hòa Tân, TP Cà Mau, sau khi học xong lớp Y sỹ, Sang tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng từ tháng 3 năm 2007. Cũng từ đó đến nay Sang được công tác cùng đồng đội tại đồn 698 Tiểu Dừa, U Minh. Là địa bàn xa xôi cách lế khó khăn về giao thông đi lại. Bà con ở đây thường nói vui: xã người ta có Điện, Đường, Trường, Trạm còn Khánh Tiến mới có Điện và Trường. Bởi hiện nay hệ thống giao thông nông thôn ở xã Khánh Tiến mới đang trong giai đoạn "xây dựng", còn Trạm xá đã có nhưng nằm ở trung tâm xã cách trở với nhân dân các ấp. Nếu người dân ấp 10, 11,12 đau ốm thì họ ra bệnh viện huyện gần hơn ra xã, nhưng mỗi lần ra bệnh viện tốn kém tiền nong, vã lại không lẽ bệnh gì cũng phải ra huyện. Nên đồn Biên phòng từ lâu đã trở thành "Trạm xá" của bà con.

Y sỹ Sang đang khám bệnh cho dân nghèo trênđịa bàn
Buổi tối ngày 26/2/2010 tại đồn 698 bên bàn nước trà cùng anh em CBCS, trong câu chuyện hàn huyên nhưng y sỹ Sang phải thường xuyên bỏ lỡ vì có người đến xin thuốc, hoặc khám bệnh. 20 giờ 30 phút anh Nguyễn Văn Hải ngụ ấp 11 đưa hai đứa con và 1 cô em vợ lên đồn tìm Y sỹ Sang. Quần ống cao, ống thấp, tay cầm đèn Pin, vai cõng 1 đứa con nhỏ, tay kia dắt thêm 1 đứa làm chúng tôi không khỏi trạnh lòng. Cháu Nguyễn Văn Linh, con trai anh bị sốt cao hai ngày rồi nhưng anh chị chủ quan để ở nhà cho uống thuốc lá, khi thấy nặng quá mới đem lên đồn tìm Sang. Tận tình chăm sóc và thường xuyên tư vấn, nhắc nhở cho người dân cách phát hiện, đề phòng một số bệnh thông thường. Gia đình anh ra về trong sự an tâm và lòng biết ơn.
Quay lại bàn chưa uống hết bình trà lại có tiếng gọi cấp cứu từ ngoài cổng, lần này là 2 người đàn ông đầu bê bết máu. Kiểm tra vết thương thấy nặng cần phải chuyển đi tuyến trên, Sang sơ cứu ban đầu và hướng dẫn cho người đưa ngay về huyện. Tiếng kẻng báo đến giờ ngũ của bộ đội đã điểm, chuẩn bị vào giường thì trực ban đơn vị thông báo gia đình ông Huỳnh Men ngụ ấp 12 cần giúp đỡ của Sang. Ngoắc đèn Pin về phía tôi, Sang nói: Anh ngũ trước, em đi khoảng 30 phút là về, họ là bệnh nhân quen của em. Khoác túi dụng cụ y tế, 1 cái đèn pin nhỏ, quần săn tới đầu gối Sang khuất dần trong bóng tối. Được biết gia đình ông Huỳnh Men thuộc diện nghèo trên địa bàn, năm nay ông đã 86 tuổi, bị bệnh suyễn, vợ ông bà Dương Thị Lý, 82 tuổi thường xuyên tăng huyết áp. Con cái đi làm ăn xa, ông bà chỉ nhờ vào bà con lối xóm, ốm đau thì nhờ đồn BP giúp đỡ. Thiếu tá Phạm Xuân Hinh, chính trị viên đồn 698 nói: Hoàn cảnh của ông bà Huỳnh Men là một trong số hàng chục hộ nghèo, hộ chính sách mà lâu nay đồn thường xuyên quan tâm giúp đỡ, thi thoảng đồn còn cho thêm gạo, còn thuốc men thì hầu như bao hết cho ông bà mấy năm nay. Sang nhiệt tình, có y đức được anh em trong đơn vị và bà con tin tưởng nên đơn vị tạo mọi điều kiện cho Sang xuống địa bàn giúp đỡ dân khi họ gặp khó khăn.
Mới 5 giờ 30 sáng, trời còn tối trong màn sương, nhìn ra cổng tôi đã thấy Sang khoác túi dụng cụ, quần áo lấm lem từ địa bàn trở về. Hỏi đi lúc nào thì Sang nói đi lúc hơn 4 giờ sáng. Về sáng ông Huỳnh Men lên cơn hen suyễn nặng, hàng xóm của ông điện thoại gọi giúp. Sang cười và nói với tôi: «Mối làm ăn của em đấy». Nhìn cuốn sổ theo dõi bệnh án của Sang ghi chép khám bệnh và cấp thuốc cho dân hàng ngày, tôi thấy đồn Biên phòng giống như 1 trạm xá thật sự. Sang cho biết thêm: Tuy không có bệnh nặng, nan y nhưng các bệnh dịch thông thường thì ngày nào Sang cũng khám và cho thuốc từ 3 đến 5 người. Cao điểm nhất lầ vào giai đoạn giao mùa, có ngày lên đến 12 người. Cách đây vài tháng, cháu Nguyễn Mộng Nghi, nhà ở gần đồn bị té xuống sông, khi CBCS của đơn vị đi công tác về qua phát hiện thì cháu Nghi đã bất tĩnh. Anh em tập trung hô hấp nhân tạo và gọi Sang xuống cấp cứu. Nhờ có Sang mà cháu Nghi sống lại trên dọc đường chở ra bệnh viện huyện U Minh. Và những vụ việc đột xuất như thế thì bộ đội luôn chủ động lấy xuồng của đồn và cử Sang đưa đi tuyến trên ngày. Chưa hết quý 1/2010 nhưng số người lên đồn nhờ Sang khám bệnh, cho thuốc đã lên đến 191 lượt người.
Ngoài hoàn thành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, Sang luôn là người tiên phong gương mẫu trong việc giữ gìn vệ sinh doanh trại xây dựng môi trường xanh, sạch và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội. Hàng ngày Sang luôn tranh thủ và tận dụng từng mét đất quanh doanh trại để trồng rau xanh và các loại cây củ, quả. Hàng tháng đều được đơn vị tạo điều kiện cho Sang đi địa bàn cùng đội vận động quần chúng để tuyên truyền nhân dân ăn, ở vệ sinh, đề phòng dịch bệnh.
Với bản tính hiền lành, nhiệt tình giàu lòng nhân ái nên đi đến đâu Sang cũng được bà con trên địa bàn yêu quý. Bằng việc làm cụ thể thiết thực, đem lại nhiều kết quả trong công tác nên năm nào Y sỹ Ngô Văn Sang cũng được anh em trong đơn vị tín nhiệm đề nghị cấp trên khen thưởng. Hoàn thành nghĩa vụ quan sự đợt 2 năm 2010, Sang không về Thành phố xin việc mà tình nguyện ở lại làm việc tại Trạm xá xã Khánh tiến huyện U Minh./. |