Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động
địa cầu”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh mới vô cùng phức
tạp, Bác Hồ đã sớm nhận thấy những khó khăn, thách thức, phức tạp của chặng
đường trước mắt, nhất là những hạn chế, bất cập của công tác cán bộ; nguy cơ
suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ “sự xâm lấn, thao túng của “căn bệnh” chủ
nghĩa cá nhân”. Bác cho rằng chủ nghĩa cá nhân là loại “vi rút gây hại cho cơ
thể Đảng và chế độ”, “tàn phá hạnh phúc của nhân dân”. Vì lẽ đó, tháng 12-1958,
Bác đã hoàn thành tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, in trong tạp chí Học tập -
Tạp chí lý luận của Đảng ta (nay là Tạp chí Cộng sản); qua đó gửi một thông
điệp đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân: Hãy nâng cao đạo đức cách
mạng, kiến quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm lành mạnh đời sống mới của
chúng ta.

Ảnh: Internet
Tuy 63 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của
Bác vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là sự chỉ dẫn mang
tính thời sự và có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở nước ta hiện nay. Dòng
chảy xuyên suốt tác phẩm của Bác là nâag cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân. Bác dạy rằng làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã
hội mới, tốt đẹp hơn. Đây là một sự nghiệp cách mạng vẻ vang nhưng rất nặng
nề, là cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp và lâu dài. Vì vậy, cách mạng muốn
giành được thắng lợi nhất thiết người cách mạng phải lấy đạo đức cách mạng
làm nền tảng. Không có đạo đức cách mạng người cán bộ không thể hoàn thành
nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Theo Bác, phẩm chất đạo đức cách mạng
thể hiện:
Một là, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho Đảng, cho cách mạng.
Đây là “điều chủ chốt nhất”, là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng”, là
khâu quyết định sự tự nguyện cống hiến, đức hy sinh cho Đảng, cho nhân dân;
tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Hai là, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách
của Đảng, chuyên tâm, tận lực làm việc cho Đảng, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng;
ra sức xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà
Đảng và nhân dân giao phó.
Ba là, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân
dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; vì Đảng, vì nhân dân
mà đấu tranh quên mình, gương mẫu về mọi mặt.
Bốn là, ra sức học chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố lập trường
cách mạng, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, biết tiếp thu và sử
dụng kết quả học tập, nhất là “tinh thần biện chứng pháp để xử trí mọi việc”,
lấy “chân lý phổ biến” của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào thực tiễn,
nhờ đó mà tránh được các “căn bệnh”: giáo điều, máy móc, kinh nghiệm. Đây là
điều căn bản nhất, chắc chăn nhất để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân.
Theo Bác, chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh hiểm nghèo, người
cách mạng phải tránh xa nó vì chủ nghĩa cá nhân là vết tích xấu sa, nguy hiểm
nhất của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành
người ta đi xuống dốc”, bởi “bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn
danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp,
của nhân dân”. Cho nên, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với chủ nghĩa tập thể,
trái ngược với đạo đức cách mạng, “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã
hội”.
Bác dạy rằng nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân
thì người cách mạng bị tha hóa, biến chất vì nó “che lấp đạo đức cách mạng”.
Nó là căn bệnh “gốc” đẻ ra “trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè
phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…” và luôn chờ dịp dể “ngóc đầu dậy” nên
chúng ta phải quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đây là việc làm
đầu tiên và liên tục, thường xuyên để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng và bảo
vệ uy tín của Đảng. Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp lúc này đối với mọi cán bộ, đảng
viên là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính
trị trong sạch vững mạnh. Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng thì chúng ta phải:
1. Ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo bản thân để tiến bộ
mãi, bởi đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh,
rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà có được, “cũng như ngọc càng mài càng sáng,
vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, người cách mạng phải học tập, tu dưỡng
đạo đạo đức cách mạng ở mọi lúc mọi nơi, ở nhà trường, ở ngoài đời, trong mọi
điều kiện, hoàn cảnh. Lời căn dặn của Bác là tôn chỉ mục đích của công tác
đào tạo cán bộ của Đảng, soi dọi việc học và rèn luyện đạo đức cách mạng của
mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.
2. Cần phân biệt một cách khoa học, tinh
tế, rõ ràng giữa chủ nghĩa cá nhân vị kỷ như một thế giới quan xấu xa, bệnh
hoạn, sự lệch lạc thái quá của căn bệnh cá nhân chủ nghĩa với lợi ích chính
đáng của cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo
lên lợi ích cá nhân”, không phải là chống chủ nghĩa cá nhân. Coi thường cá
nhân, phủ nhận cá nhân là điều đi ngược với tinh thần biện chứng mác xít. Bởi
lẽ, mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản
thân và gia đình mình; “nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích
tập thể thì không phải là xấu”. Theo Bác, chúng ta không sợ sai lầm, khuyết
điểm, chỉ sợ sai lầm, khuyết điểm mà không quyết tâm sửa chữa. Do đó, thật
thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là ”vũ khí sắc bén” để chống mọi biểu
hiện của chủ nghĩa cá nhân.
3. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng
của cán bộ, đảng viên là quá trình tạo ra “những kháng thể tốt, ngăn chặn,
miễn nhiễm, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa cá
nhân gây ra”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải vững vàng trên nền tảng tư tưởng
của Đảng, kiên định, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đây là “liều thuốc đặc trị”, chữa khỏi căn bệnh lười học lý luận chính trị,
ngại nghiên cứu tác phẩm kinh điển của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện
nay.
4. Nâng cao ý thức thực hành đạo đức cánh mạng; luôn tự soi
mình, tự sửa mình, tự rèn luyện, trau dồi các phẩm chất: cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư; quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; thực
hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
5. Mỗi cán bộ, đảng viên cần dành thời gian đọc kỹ, nghiên cứu
sâu tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Bác vì nó là những lời chỉ dẫn thiết
thực nhất, thuyết phục nhất về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; phòng,
chống chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm cũng là thông điệp gửi đến toàn thể cán bộ,
đảng viên của Đảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc đề cao danh dự của người
đảng viên của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính
trị trong sạch vững mạnh.
Đạo đức
cách mạng là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra con đường tiến lên cho cách mạng
Việt Nam, sợi chỉ đỏ dẫn đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thực
hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
nâng tầm cao uy tín, vị thế của Đảng ta trong giai đoạn mới của cách mạnh
Việt Nam; tạo ra động lực mới cỗ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại
hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội./.
|