Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế - tư tưởng ngoại
giao Hồ Chí Minh là một bộ phận rất quan trọng và đặc sắc trong hệ thống các
quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt
Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955. (Nguồn: Hochiminh.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người
thầy vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, người anh
hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế, danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp
cách mạng của Người đã để lại cho Đảng ta và dân tộc ta những di sản vô giá,
đó là sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam dân
giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, sánh vai với các cường quốc năm
châu, là bạn với các quốc gia trên thế giới vì hòa bình độc lập, tiến bộ xã
hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và
sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh
về đối ngoại và đoàn kết quốc tế - Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ
phận rất quan trọng và đặc sắc trong hệ thống các quan điểm của tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Là người khai sinh ra nền ngoại giao của nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tư tưởng
ngoại giao Hồ Chí Minh hình thành và phát triển gắn liền với toàn bộ sự
nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Trước hết, tư tưởng đối ngoại và đoàn
kết quốc tế của Người đã thể hiện nổi bật trong hệ thống các tác phẩm báo
chí, các bức thư, các lời kêu gọi, các tác phẩm chính luận của Người. Các
quan điểm đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển, hoàn thiện được thể
hiện tập trung trong “Đường cách mệnh” (1927), Chính cương vắn tắt, Sách lược
vắn tắt (1930), Chương trình 10 điểm của mặt trận Việt Minh (1944), Tuyên
ngôn Độc lập (2/9/1945), thể hiện tập trung nhất trong đường lối đối ngoại
của Đảng và Nhà nước ta trong văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Trung ương,
nghị quyết của Bộ Chính trị từ năm 1930 đến nay.

Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch
Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng
7/1957 (Ảnh tư liệu)
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế
Tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng
ta không chỉ dừng ở việc nghiên cứu trước tác của Người trong toàn tập Hồ Chí
Minh, Văn kiện Đảng toàn tập, mà một phương pháp rất quan trọng là chúng ta
phải tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và trực
tiếp thực hiện các hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế của Người. Jean
Lacouture (Giăng Lacutuya) một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp đã có một nhận
định rất sâu sắc: “Qua lăng kính tư tưởng của vị nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng
sản Đông Dương, kế đó là Đảng Lao động Việt Nam xuất hiện một hệ thống học
thuyết hình thành bởi những hành động hơn bởi những từ ngữ.”[1]
Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định sự đúng đắn trong
phương pháp tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh từ hành động: “Cụ Hồ là người chứng
minh sự vận động bằng đi đứng”, thể hiện lý thuyết bằng hành động: “Xét cho
cùng thì hành động, hành động trước sau như một, lắm khi còn trung thành,
chân thật hơn là lời nói và câu văn”[2].
Tìm hiểu tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tiếp cận từ các
hoạt động trực tiếp của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước, trong thời kỳ
hoạt động ở Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc… (1911-1941) Bác đã có hàng loạt các
hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế. Đó là các hoạt động tìm hiểu các dân
tộc bị áp bức, bóc lột ở các thuộc địa, tìm hiểu các lực lượng tiến bộ trên
thế giới, kể cả ở “mẫu quốc” chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc…; tìm hiểu
các thế lực phản động hiếu chiến trong giới cầm quyền của các nước đế quốc,
nhất là đế quốc Pháp để hiểu chúng và phân hóa chúng; các hoạt động tuyên
truyền, vận động tập hợp lực lượng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc
lập của dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ ở Pháp và Nga, các hoạt động đối ngoại của
Bác Hồ và các đồng chí của Người đã tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Đảng
Cộng sản Pháp, của Hội liên hiệp các tổ chức thuộc địa, của Quốc tế cộng sản;
các hoạt động thiết lập các mối quan hệ với các lãnh đạo phong trào cách mạng
thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa nói chung
và Việt Nam nói riêng. Thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, bằng các hoạt động
ngoại giao khôn khéo, Bác và các đồng chí của mình đã lợi dụng được chính
quyền Quốc dân đảng Trung Quốc, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của Đảng
Cộng sản Trung Quốc, nên đã tổ chức ở Côn Minh “Việt Nam dân chúng hưởng ứng
Trung Quốc khẳng định hậu vận hội”, tạo thế hợp pháp cho các hoạt động cách
mạng của ta. Tranh thủ chính quyền của Tưởng Giới Thạch để chúng ta lập “Việt
Nam độc lập đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ” là cơ quan đại diện của mặt
trận Việt Minh ở nước ngoài nhằm duy trì các quan hệ với quốc dân Đảng Trung
Quốc và làm nơi liên lạc quốc tế của ta. Với cơ quan đại diện này, cách mạng
Việt Nam đã bắt liên lạc được với các lực lượng cách mạng ở Trung Quốc và các
nước Đông Nam Á.
Trình bày một số vấn đề trên đây giúp chúng ta đi tới một
nhận thức: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế hình thành
và phát triển gắn chặt với toàn bộ hơn 60 năm hoạt động cách mạng của Người.
Do đó khi nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chúng ta phải tiếp cận
từ các bài viết, bài nói của Người, từ các văn kiện về đường lối, chính sách
đối ngoại, đoàn kết quốc tế của Đảng và nhà nước ta, từ các tác phẩm của các
học trò xuất sắc của Bác, từ các chiến sĩ cộng sản quốc tế, từ các chính
khách, các nhân sĩ tri thức và bạn bè quốc tế viết và nói về Bác; và rất coi
trọng tiếp cận các hoạt động trực tiếp của Bác khi Người tiến hành các hoạt
động đối ngoại và đoàn kết quốc tế. Do đó tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là
hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về thế giới, về thời đại, về
chiến lược sách lược, về nghệ thuật ứng xử trong quan hệ quốc tế nhằm phục vụ
thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ tiến lên giành thắng lợi cho
sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc
năm châu, là bạn với mọi quốc gia vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã
hội.

Chủ tịch Trung Quốc
Mao Trạch Đông đón Bác Hồ thăm hữu nghị Trung Quốc, ngày 25/6/1955 (Ảnh tư
liệu)
Phong cách nghệ thuật ngoại
giao Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế - tư
tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua hệ thống quan điểm,
nguyên tắc, phương pháp, phong cách nghệ thuật ngoại giao sau:
- Quan điểm cơ bản – nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ
Chí Minh là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tất cả
hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế phải xuất phát từ lợi ích quốc gia,
dân tộc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết trước hết. Tất cả phải
nhằm mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, tự do và hạnh phúc của
nhân dân. Không có gì quý hơn độc lập tự do!
- Không ngừng nâng cao thực lực của cách mạng để nâng
cao sức mạnh và hiệu quả của hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế: “Thực
lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Tư
tưởng ngoại giao rất quan trọng này đã xác định vị trí và mối quan hệ giữa
xây dựng thực lực của cách mạng, xây dựng và phát huy sức mạnh của dân tộc
với sức mạnh và hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Trong mối quan hệ này,
hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế là rất quan trọng, còn xây dựng thực
lực cách mạng có ý nghĩa quyết định.
- Quan điểm coi ngoại giao là một mặt trận, mặt trận
ngoại giao cần và có thể triển khai trên khắp thế giới và ngay tại hậu phương
của đối phương, đối tượng do đó phải chủ động tiến công ngoại giao: “Tiến
công ngoại giao là một tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược”[3]. Tiến công ở đây là phải chủ động
tiến công, phải chủ động lấy cái chính nghĩa, lấy cả nghĩa cả tình (Nghĩa, lý
ở đây là chân lý, lẽ phải, là pháp lý, là sự thật…; tình ở đây là khát vọng
hòa bình là tinh thần hòa hiếu, hòa giải, khoan dung…) để tiến công, để
thuyết phục, để cảm hóa, để tranh thủ, lôi kéo, để tập hợp. Do đó chiến lược
ngoại giao phải dựa trên bối cảnh quốc tế, nắm vững đối tác, đối tượng, dự
báo đúng các xu hướng phát triển, các quy luật vận động của thế giới, chiến
lược của các nước, nhất là các nước lớn, các khu vực, các tổ chức quốc tế, dự
báo thời cơ để quyết định các chiến dịch tiến công ngoại giao. Cần xác định
kịp thời từng nội dung, từng chính sách ứng xử linh hoạt, khôn khéo để đạt
hiệu quả cao.
- Nguyên tắc định hướng mọi hoạt động đối ngoại và
đoàn kết quốc tế là: Kiên định vững chắc về mục tiêu chiến lược đồng thời
linh hoạt mềm dẻo về sách lược. Nguyên tắc ở đây cần kiên định đó là mục tiêu
giành và giữ vững độc lập cho dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ
quốc gia (cả vùng đất, vùng trời, vùng biển), đặt lợi ích quốc gia dân tộc
lên trên hết trước khi tiến hành các hoạt động đối ngoại. Phải rất năng động,
mềm dẻo trong thực hiện các phương châm, chính sách ngoại giao, biết nhân
nhượng, thỏa hiệp có nguyên tắc, biết lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong nội
bộ của đối tượng để lôi kéo, phân hóa, cô lập tối đa đối tượng. Biết vận động
thuyết phục, cảm hóa các Đảng phái, các tầng lớp nhân dân các nước đồng tình
ủng hộ sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp kháng chiến, sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện đúng đắn và hiệu quả
nguyên tắc nêu trên khi tiến hành các hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế
phải vận dụng nhuần nhuyễn phương châm: biết mình, biết người, biết thời,
biết thế, biết tiến, biết thoái, biết nhu, biết cương, biết dừng và biết
biến!
- Trong hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế phải
xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với hợp
tác quốc tế sẽ kết hợp tối ưu sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Đây là mối quan hệ cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng ngoại
giao Hồ Chí Minh. Ngoại giao độc lập, tự chủ tự cường là một chuẩn mực đảm
bảo quyền độc lập thực sự của một quốc gia. Độc lập tự chủ tự cường là “cái
gốc”, “cái điểm mấu chốt” của mọi chủ trương, chính sách, là phương thức khơi
dậy mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập tự chủ trong ngoại giao
không chỉ dừng lại ở việc chủ động hoạch định chính sách, biện pháp mà điều
quan trọng hơn phải biết chủ động khai thác nội lực trên tinh thần tự lực, tự
cường. Mặt khác, tự lực tự cường không đồng nghĩa với khép kín, đóng cửa, cô
lập mà phải chủ động tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế. Bác
Hồ từng chỉ rõ một trong những nguyên nhân suy yếu của các dân tộc phương
Đông trong lịch sử là sự cô lập, là chính sách "bế quan, tỏa cảng”.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác đã chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam là một bộ
phận của cách mạng thế giới, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng tiến
bộ trên thế giới vì hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội. Tư tưởng ngoại giao Hồ
Chí Minh về độc lập, tự chủ, tự cường đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc
tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã được lịch sử hơn 90 năm
của cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Đảng ta khẳng định đây là bài học kinh
nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Xây dựng, phát triển và phát huy sức mạnh tổng hợp của
ngoại giao Việt Nam là quan điểm tư tưởng rất quan trọng trong phương pháp
cách mạng, phương pháp nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ
phản đối chiến tranh ở Việt Nam,năm 1967. (Ảnh tư liệu)
Ngoại giao phải bảo đảm cao
nhất lợi ích quốc gia, dân tộc
Ngoại giao là một mặt trận đấu tranh cực kỳ quan trọng, là
một bộ phận không thể tách rời của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Tạo ra và sử dụng sức mạnh tổng hợp là phương pháp cách mạng trong tư tưởng
Hồ Chí Minh. Xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam
là một bộ phận quan trọng của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Trong suốt
58 năm hoạt động cách mạng (1911-1969), Bác Hồ đã trực tiếp tổ chức, lãnh
đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển và phát huy sức mạnh của ngoại giao nhân
dân, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền
ngoại giao hiện đại Việt Nam. Nhận thức sâu sắc tư tưởng về phương pháp ngoại
giao Hồ Chí Minh, khi tiến hành các hoạt động đối ngoại và đoàn kết quốc tế
phải tiến hành đồng thời hoạt động của các “binh chủng” ngoại giao, các hình
thức ngoại giao, phối hợp chặt chẽ các binh chủng, các lực lượng ngoại giao:
ngoại giao Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ), ngoại giao Đảng (với các Đảng cộng
sản, công nhân, các đảng cầm quyền, các đảng đối lập); ngoại giao nhân dân
(với các đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân…), ngoại giao văn
hóa, ngoại giao kinh tế, ngoại giao quốc phòng, an ninh… chủ động hội nhập
quốc tế.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa ra đời, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại
giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng
thời Người rất coi trọng lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đối ngoại,
vận động các nước lớn, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng… công
nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao với họ.
Bác Hồ rất quan tâm chỉ đạo Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế và khu
vực.
35 năm qua, dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí
Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã phát huy sức
mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân,
ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, ngoại giao quốc phòng… làm tốt vai
trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc
chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ
xã hội chủ nghĩa, chủ động tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và
sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế -
xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị
thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi,
thời cơ và khó khăn thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới yêu cầu mới
nặng nề phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Để góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành thắng lợi mục
tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra,ngoại giao Việt Nam trên
cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và
đoàn kết quốc tế, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả cao đường lối đối
ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa,
đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Ngoại giaoViệt Nam luôn bảo đảm cao
nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến
chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng hợp tác cùng có lợi; kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập
quốc tế toàn diện sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành
viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.
|